Những người tiên phong
Sáng ngày 3-3-2021, PGS Phạm Kim (nguyên Phó viện trưởng Viện Tai-Mũi-Họng) đã chia sẻ với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam câu chuyện về những người đi tiên phong trong sử dụng kỹ thuật vi phẫu đối với các bệnh lý tai ở Việt Nam.
Năm 1976, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn bởi những vết thương sau chiến tranh, GS Trần Hữu Tước đã tin tưởng cử hai học trò là bác sĩ Lương Sỹ Cần và bác sĩ Phạm Kim sang Pháp tham gia lớp đào tạo về vi phẫu thuật tai của nhà khoa học nổi tiếng – GS Michel Portmann. Bằng tất cả trách nhiệm, sự tâm huyết, bác sĩ Lương Sỹ Cần và Phạm Kim đã hoàn thành tốt khóa học. Trở về nước, hai ông trở thành những người tiên phong trong ứng dụng kỹ thuật vi phẫu để điều trị các bệnh lý về tai cho nhân dân. Không chỉ có thế, bác sĩ Lương Sỹ Cần còn thúc đẩy các hoạt động đào tạo, truyền đạt những kiến thức, kỹ thuật của mình cho nhiều y bác sĩ trẻ nắm được để ứng dụng, phổ biến rộng rãi.
PGS Phạm Kim
Là những người cùng thời, có đóng góp quan trọng cho ngành Tai Mũi Họng Việt Nam, PGS Phạm Kim đánh giá cao sự nỗ lực của người đồng nghiệp – GS Lương Sỹ Cần: “Anh Cần là người rất kiên trì nghiên cứu về tai. Anh là người được học có nề nếp, bài bản để góp phần rất quan trọng cho sự phát triển khoa Tai nói riêng, Viện Tai – Mũi – Họng nói chung”.
Nhớ lại những buổi đầu áp dụng kỹ thuật vi phẫu, PGS Phạm Kim chia sẻ: "Thế hệ tôi và anh Cần như những con chim đầu đàn, giúp đỡ, định hướng những bạn trẻ bấy giờ quan tâm đến ngành Tai, khơi dậy trong họ sự hào hứng với kỹ thuật vi phẫu tai. Đó một trang sử mới của ngành phẫu thuật tai, nhằm cải thiện những dụng cụ còn thô sơ, gây nhiều đau đớn cho người bệnh trước đó".
Nguyễn Thị Thanh
Tin khác
- Hai ngày khám phá văn hóa tại Hòa Bình
- Sự lựa chọn của trái tim
- Sưu tầm những bức ảnh quý
- Lá phiếu may mắn
- GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu tiếp tục trao tặng tài liệu
- Khát vọng chinh phục những dòng sông
- Tặng 100 sách "Di sản ký ức của nhà khoa học" và "Những câu chuyện hiện vật"
- Hai tấm bằng tốt nghiệp cấp 2
- Tiếp nhận "tài sản" của một nhà giáo
- Về miền ký ức