Cặp bạn đời đồng hành trong khoa học

Gia đình GS, TS, nhà giáo Đặng Vũ Cảnh Khanh

“Bên cạnh tôi có một pho sách sống” 

Sáu rưỡi tối chủ nhật, khi trời đã bắt đầu xẩm tối, GS Lê Thị Quý mới đặt chân về nhà sau một ngày giảng dạy bận rộn. Hiện nay, bà đang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển, kiêm nhiệm giảng dạy môn xã hội học Giới và Gia đình tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

Tốt nghiệp khoa Sử, đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1971, cô Quý gia nhập đội ngũ phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hải Phòng. Chính lúc này, cô gặp gỡ với người đồng nghiệp Đặng Vũ Cảnh Khanh và tình yêu của họ đã ghi dấu bằng một hôn lễ giản dị đầu năm 1974.

Sau ngày giải phóng, để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Sài Gòn, thầy Đặng Vũ Cảnh Khanh và cô Lê Thị Quý là những người đầu tiên xung phong vào mặt trận này. GS Quý nhớ lại: “Vợ chồng tôi có một thú đam mê lớn nhất là sách. Cứ mỗi ngày cuối tuần, cả hai lại “xách bị” lang thang khắp các vỉa hè Sài Gòn tìm mua sách cũ. Sài Gòn hồi đó có rất nhiều sách nghiên cứu xuất bản có giá trị tham khảo tốt. Vậy mà những năm 78 – 79, khi chiến tranh biên giới xảy ra, kinh tế gặp khó khăn, chúng tôi phải đứt ruột bán đi một số cuốn sách để lấy tiền bươn trải cuộc sống. Mỗi khi nghĩ lại đều không khỏi đau lòng”.

Không chỉ khó khăn về kinh tế, để phục vụ cho học vấn, vợ chồng cô Quý đã có lúc phải hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình. Suốt gần một thập kỷ, họ không được ngồi ăn chung một bữa cơm gia đình sum họp. Đó là thời kỳ những năm 80, khi đó thầy Cảnh Khanh học tập và làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Xã hội học tại Bungari, còn cô Quý lên đường sang Matxcova năm 1984 để theo học chuyên ngành Sử. Họ đã phải “đứt từng khúc ruột” khi bỏ lại cậu con trai Đặng Vũ Cảnh Linh ở lại Việt Nam khi chưa tròn 10 tuổi.

Trở về miền Bắc sau những ngày tháng vất vả tu nghiệp tại nước ngoài, cả thầy Khanh và cô Quý đều là lớp giảng viên đầu tiên của bộ môn Xã hội học vốn còn nhiều mới mẻ ở Việt Nam. Khi thắc mắc, tại sao là một người chuyên Sử lại chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu Xã hội học, cô Quý cười bảo: “Như tôi đã chia sẻ, cả hai vợ chồng tôi đều mê sách. Trong nhà có bao nhiêu sách Sử và sách Xã hội học, chúng tôi đều đọc cả. Mặc dù là sách Xã hội học nhưng càng đọc tôi lại càng “ngấm”, càng “say”. May thay, bên cạnh tôi có một “pho sách sống”, đó là anh Cảnh Khanh nên học hỏi được rất nhiều”.

Nếu để lấy một từ nói về cặp đôi nhà giáo Đặng Vũ Cảnh Khanh và Lê Thị Quý thì đó chính là “đồng hành”. Họ không chỉ “đồng hành” trong cuộc sống mà còn “đồng hành” trong suốt con đường lao động. Cùng là giáo sư, giảng viên xã hội học, tới nay, họ đã cùng nhau biên soạn và xuất bản nhiều cuốn sách như “Gia đình học”, “Kiến Thụy xưa và nay”, “Dư địa chí Quảng Ninh”… Đó là kết quả của những ngày cùng nhau bàn bạc, cùng nhau nghiên cứu nhưng cũng không thiếu những cuộc tranh luận “nảy lửa” . Nhưng theo thầy Khanh: “Tranh luận là điều không thể thiếu trong khoa học, từ đó mới có thể bổ sung và đi đến thống nhất”.

 
1. Ba thế hệ làm nhà giáo

Là con trai trưởng của giáo sư, nhà giáo Vũ Khiêu, ít ai biết được, thầy Đặng Vũ Cảnh Khanh đã phải tự nỗ lực như thế nào để thoát ra khỏi “cái bóng” của cha mình. Trong phong cách ăn mặc có phần “lãng tử”, trẻ trung với áo phông, quần bò, thầy Cảnh Khanh kể lại: “Ngày tôi xuất bản những cuốn sách đầu tiên, đã có một vài người cho rằng: GS. Vũ Khiêu viết và đề tên con trai như một hình thức… đánh bóng tên tuổi. Nhưng đối với những người thực sự am hiểu thì khi cầm cuốn sách lên có thể biết đích xác ai là tác giả”. Bởi theo thầy, các thành viên trong gia đình tuy học hỏi và chịu ảnh hưởng lẫn nhau nhưng luôn “bứt mình” lên để không bị “hòa tan”, bị “bóng” của người khác che lấp. Chính vì vậy, trong khoa học, mỗi người là một phong cách, một cá tính riêng biệt. Nếu lối viết của GS. Vũ Khiêu logic, chặt chẽ thì GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh có phần bay bổng, khúc triết, còn GS. Lê Thị Quý lại nhân văn, sâu sắc và giản dị, dễ hiểu…

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận, sự uyên bác của GS. Vũ Khiêu đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho các con mình. Cô Quý nhớ lại, những ngày đầu về làm dâu, cô đã được “vỡ” ra nhiều điều. Mỗi lần nấu ăn trong bếp, vừa xào nấu, cô vừa nghe “lỏm” GS.Vũ Khiêu và những người bạn nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Tuân, giáo sư Trần Văn Giàu, giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Trần Đức Thảo, nghệ sỹ điện ảnh Hoàng Thị Thế ( con gái nhà cách mạng Hoàng Hoa Thám ) và các nhà văn hóa, nghệ sỹ lớn khác trao đổi các vấn đề khoa học, nghệ thuật. “Đó là những kiến thức mà chưa chắc có thể tìm được trong sách vở và truyền cho mình niềm đam mê nghiên cứu, tìm tòi”. Cô Quý chia sẻ.

Cho đến nay, người con trai duy nhất của thầy Khanh và cô Quý cũng theo bước ông nội và cha mẹ. Ths. Đặng Vũ Cảnh Linh là giảng viên khoa xã hội học, Học viện báo chí và tuyên truyền. Cả ba thế hệ làm nhà giáo, theo thầy Khanh nói một cách “dí dỏm” thì ấy là cái “nghiệp chướng”, có muốn chạy cũng không thoát được.
Năm nào cũng vậy, cứ đến 20/11 là căn nhà nhỏ của gia đình GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh lại “vui như tết”. Học trò của bố mẹ, học trò của con cùng tìm gặp, sum vầy. Ấy cũng là lúc họ càng cảm nhận được hạnh phúc giản dị mà cao quý của nghề giáo.

2. Lái xe riêng là… giáo sư!

Cuộc sống của một nhà giáo, một nhà nghiên cứu là những guồng quay không ngừng nghỉ mà theo cô Quý, nếu người phụ nữ không có hậu phương vững chắc thì khó có thể làm được. Không chỉ hỗ trợ trong công việc, thầy Cảnh Khanh còn sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ. Họ thường xuyên vào bếp cùng nhau, người nhặt rau, người xào nấu. Cô Quý không giấu vẻ tự hào khi nói những món đồ Tây như hambeger, bò bít Tết, mỳ vằn thắn, bánh mì nướng… do chồng mình làm “đạo diễn”.

Mỗi lần dạy ở các tỉnh xa như Quảng Ninh, Huế, Nghệ An…, để kết hợp với du lịch và thăm thú bạn bè, thầy Cảnh Khanh thường tự lái xe. Cô Quý vẫn dí dỏm trêu rằng: “Đôi khi thấy mình sang hơn cả thủ tướng bởi có hẳn một giáo sư làm lái xe riêng”. Trong cuộc sống bận rộn, hiếm hoi lắm mới có những ngày rảnh rỗi nhưng hễ bạn bè rủ đi du lịch, vợ chồng cô lại sẵn sàng lên xe, bởi đó là sở thích chung của cả hai bên cạnh niềm đam mê khoa học.

“Nếu nói về điểm chung giữa hai vợ chồng thì có lẽ kể cả ngày cũng chưa hết được. Nhưng có một điểm đặc biệt là chúng tôi đều đồng cảm với vợ chồng cụ Nguyễn Trãi và cụ Nguyễn Thị Lộ”, cô Quý tâm sự. Vợ chồng cô vẫn thường quan niệm rằng: Người tri thức là người đi cùng với dân tộc, có những ưu tư riêng và đôi lúc không tránh khỏi hoạn nạn, khó khăn. Và trường hợp của người anh hùng Nguyễn Trãi chính là điển hình bi kịch của người tri thức. Chính vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi hay gặp trắc trở trong công việc, trong cuộc sống, họ thường tìm về Côn Sơn để thắp hương cho gia đình cụ Nguyễn Trãi như để tâm sự với cụ và thấy rằng: “Những khó khăn của mình không thấm gì với người trí thức xưa”… để từ đó thấy lòng mình ấm lại và tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn.

GS.TS Đặng Vũ Cảnh Khanh: Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên, hiện là Chủ nhiệm khoa “Công tác xã hội” trường Đại học Dân lập Thăng Long, sáng lập viên khoa “Xã hội học Nông thôn” trường Đại học Nông nghiệp.

GS.TS Lê Thị Quý: Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới và phát triển kiêm giảng viên giảng dạy tại khoa xã hội học – Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Phó chủ tịch thường trực Hội công tác Xã hội Việt Nam, Chủ tịch mạng nghiên cứu và hành động về Giới (NEW).