Xác lập những khái niệm mới
Việc ra đời của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cũng đồng thời xác lập những khái niệm mới, đó là: di sản nhà khoa học, di sản ký ức. Trước đó, giới nghiên cứu và lưu trữ chưa thực sự quan tâm đến các loại hình di sản này. Lịch sử và những thành tựu của khoa học Việt Nam được chú ý nhiều hơn là câu chuyện, tư liệu liên quan đến những con người đã tạo nên nền khoa học ấy.
Lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn Di sản Tiến sĩ Việt Nam tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, ngày 27-9-2008
Nhìn lại lịch sử phát triển của nước Việt Nam từ sau năm 1945, không thể phủ nhận các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Nhưng những gì còn lại về họ đa phần chỉ là những trang viết hay trích ngang ngắn ngủi và có phần sơ sài. Ít ai chú ý đến việc nghiên cứu một cách toàn diện dòng đời của họ trong dòng chảy của lịch sử khoa học, lịch sử đất nước. Một số ít trong số họ được tìm hiểu đầy đủ hơn nhưng ở những góc nhìn khác nhau, và hầu hết được đặt trong mối tương quan với các vấn đề chính trị xã hội.
Khái niệm “di sản nhà khoa học” thực sự ra đời kể từ khi Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xuất hiện. Di sản nhà khoa học bao gồm cả di sản vật thể (những gì liên quan đến họ, do họ tạo ra, gắn bó với cuộc đời của họ, như cuốn nhật ký, bản thảo, thư từ, sách vở, các dụng cụ thí nghiệm…) và di sản phi vật thể (bao gồm ký ức được kể lại thông qua những file ghi âm, ghi hình, hoặc những cuốn hồi ký…).
Di sản các nhà khoa học có vai trò quan trọng trên nhiều khía cạnh. Thông qua đó, có thể tìm hiểu một cách toàn diện về cuộc đời một nhà khoa học, tức là một cá nhân cụ thể, đặt trong các bối cảnh lịch sử cụ thể. Câu chuyện cuộc đời của họ, những trải nghiệm xã hội của họ cũng cho phép hiểu hơn về không gian xã hội, lịch sử cụ thể, từ đó bổ sung, làm đa dạng những nguồn sử liệu, phục vụ cho nghiên cứu sử học.
Một điều quan trọng là kể từ khi xác lập khái niệm di sản nhà khoa học,Trung tâm Di sản đã làm thay đổi nhận thức của chính các nhà khoa học. Từ chỗ không coi trọng những di sản do mình tạo ra, thuộc về hoặc liên quan đến mình, họ đã có ý thức giữ gìn cẩn thận hơn và bàn giao cho Trung tâm bảo tồn, phát huy. Xã hội cũng có cái nhìn khác về một loại hình di sản cũ mà rất mới này. Di sản nhà khoa học trở thành một thành tố quan trọng, bên cạnh những thành tố khác của di sản văn hóa Việt Nam.
Trong việc xác lập khái niệm di sản nhà khoa học, Trung tâm cũng xác lập một khái niệm khác hẹp hơn, đó là “di sản ký ức”. Khái niệm này còn mới mẻ ở Việt Nam, nhưng lại có vai trò khá quan trọng. Ký ức là tư liệu chính, quan trọng bậc nhất khi nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của một cá nhân trong xã hội. Thông qua ký ức của một cá nhân hoặc nghiên cứu về một cá nhân có thể hiểu thêm được những bối cảnh lịch sử xã hội hẹp hoặc rộng. Tư liệu ký ức của một cá nhân hoặc nhiều người là sử liệu, có thể khỏa lấp những khoảng trống lịch sử mà tư liệu thành văn, sử liệu chính thống chưa đề cập đến. Nó giúp ích cho việc nhận thức lại một cách đúng đắn nhiều vấn đề lịch sử ở những giai đoạn, thời kỳ nhất định. Ngoài ra nó cũng là sử liệu, góp phần vào việc đối sánh tính chính xác với các dạng sử liệu khác.
Những con số ấn tượng
Trong hành trình 12 năm, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực để xây dựng một mô hình nghiên cứu, lưu trữ và bảo tồn mới mẻ, riêng có ở Việt Nam. Kết quả của hành trình ấy là những con số biết nói hết sức ấn tượng.
Gần 2000 nhà khoa học ở mọi lĩnh vực đã được Trung tâm tiếp cận, nghiên cứu và sưu tầm. Cùng với hồ sơ về họ là khoảng 800.000 tài liệu hiện vật được sưu tầm, bảo quản tại Trung tâm. Các loại hình tài liệu hiện vật phong phú, đa dạng sẽ đem đến những cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau trong cả nghiên cứu lịch sử, lưu trữ và bảo tàng. Một ví dụ nhỏ trong khối di sản ấy là gần 40.000 bức thư được viết từ sau Cách mạng tháng Tám đến thập niên 90, cũng cho thấy rất nhiều vấn đề cần làm rõ. Các nhà nghiên cứu có thể tìm thấy những câu chuyện của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; những vấn đề giáo dục, hợp tác đào tạo giữa Việt Nam với Liên Xô và các nước Đông Âu, thậm chí là Tây Âu; thực trạng, tình hình kinh tế-xã hội đất nước ở những thời đoạn khác nhau…
Kho hiện vật giấy tại MEDDOM
Cùng với khối tài liệu hiện vật đồ sộ đó là hàng triệu phút ghi âm, ghi hình được Trung tâm thực hiện và thu thập. Đó là kết quả của những tháng ngày dài các nghiên cứu viên miệt mài đến làm việc với các nhà khoa học, không chấp mọi thời tiết.
Với khối tài sản khổng lồ ấy, nhiều nhà khoa học và giới lưu trữ cho rằng Trung tâm đang giữ “vàng”. Đó là nhận định hoàn toàn có cơ sở, nếu xét về tính chất, ý nghĩa của những tài liệu hiện vật và ký ức mà Trung tâm đang có.
Ấn phẩm của MEDDOM
Không chỉ sưu tầm, lưu trữ khối di sản giá trị mà Trung tâm còn cố gắng bước đầu cho ra những sản phẩm nghiên cứu. Bộ sách “Di sản ký ức của nhà khoa học” gồm 8 tập, “Những câu chuyện hiện vật” gồm 4 tập và nhiều cuốn sách về các nhà khoa học cụ thể đã giúp độc giả hiểu hơn về chuyện làm khoa học, chuyện đời và phần nào bức tranh lịch sử khoa học Việt Nam ở những thời điểm cụ thể. Bên cạnh đó, kiên trì mục tiêu xây dựng một bảo tàng nhà khoa học Việt Nam, Trung tâm đã thực hiện các cuộc trưng bày, triển lãm đạt chất lượng cao như: Khát vọng học hỏi và sáng tạo, Chuyện nghề địa chất, Thẳm sâu trong từng kỷ vật; hợp tác với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thực hiện trưng bày về các nhà khoa học nữ mang tên Cháy mãi với đam mê… Trung tâm cũng thực hiện hàng chục bộ phim tư liệu về các nhà khoa học được công chiếu trên nhiều kênh truyền hình khác nhau.
Trưng bày Chuyện nghề địa chất tại trụ sở Trung tâm Di sản
Tháng 8-2020, Trung tâm và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tổ chức khai trương trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Thông qua 14 công trình, cụm công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, trưng bày “Khoa học: Sáng tạo và cống hiến” kể về lao điộng khoa học và những đóng góp có giá trị cao của các nhà khoa học Việt Nam. Trưng bày này diễn giải một phần lịch sử bức tranh khoa học Việt Nam kể từ sau năm 1945. Nó cũng cố gắng lý giải nguyên nhân thành công của các nhà khoa học Việt Nam. Đó cũng là một nỗ lực đặc biệt của Trung tâm và Công viên trong việc nghiên cứu, lưu giữ và phát huy giá trị di sản của các nhà khoa học.
Những cuộc trưng bày, triển lãm được thực hiện trong thời gian vừa qua góp phần từng bước định hình về một bảo tàng các nhà khoa học Việt Nam, sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới tại Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình). Tại không gian rộng hơn 34ha, trên cơ sở di sản của các nhà khoa học, Trung tâm và Công viên Di sản hướng tới mục tiêu kết hợp ba lĩnh vực hoạt động: bảo tàng, lưu trữ và thư viện. Kể từ khi mở cửa vào cuối năm 2016, đến nay, Công viên đã đón hàng trăm nghìn lượt khách tham quan từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Các hạng mục công trình với kiến trúc độc đáo đang và sẽ được xây dựng, hoàn thiện, sẽ biến Công viên trở thành điểm đến độc nhất vô nhị không chỉ với tỉnh Hòa Bình mà với cả nước. Công viên sẽ trở thành địa chỉ thú vị với du lịch văn hóa và sinh thái, là nơi để tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm khoa học, tổ chức các sinh hoạt khoa học, đồng thời truyền cảm hứng đam mê khoa học cho thế hệ trẻ.
Lan tỏa các giá trị
Việc phát huy giá trị di sản các nhà khoa học là mục đích chính, trọng tâm xuyên suốt và lâu dài trong hoạt động của Trung tâm. Trên thực tế, hoạt động này đã được tiến hành từ vài năm trước, nhưng nay được đẩy mạnh và hơn bao giờ hết. Các ấn phẩm được xuất bản, hoặc các trưng bày, triển lãm được thực hiện đều nhằm mục đích lan tỏa các giá trị di sản của nhà khoa học. Các độc giả, công chúng có thể tìm thấy, cảm nhận các giá trị khác nhau khi tham quan một cuộc trưng bày, hay đọc những câu chuyện về nhà khoa học. Đó là các giá trị về lòng yêu thương, tinh thần vượt khó, đam mê với khoa học… Công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ tìm được những bài học sâu sắc khác nhau, góp phần định hướng, tạo lập những giá trị riêng cho mình trên con đường đời.
Tòa nhà Quyển sách- nơi lưu trữ di sản các nhà khoa học
Đặc biệt, Trung tâm đã kết hợp với Học viện Quản lý giáo dục để xây dựng, nghiệm thu chương trình “Giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống trên cơ sở phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam”. Chương trình gồm 144 chủ đề dành cho 12 khối học sinh phổ thông, hướng đến mục tiêu góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng mới trong vai trò một lực lượng giáo dục phi chính quy, ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, chương trình góp phần trực tiếp vào việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, củng cố những giá trị sống, kỹ năng sống phổ quát của nhân loại trong bối cảnh văn hóa Việt Nam trên cơ sở phát huy di sản các nhà khoa học đã được Trung tâm dày công sưu tập, bảo quản trong suốt hơn một thập kỷ qua. Chương trình không chỉ giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống đơn thuần, mà còn chứa đựng lòng tự tôn dân tộc, là tâm huyết của các nhà khoa học Việt Nam muốn trao truyền lại cho thế hệ sau những điều tốt đẹp.
Quá trình 12 năm xây dựng và phát triển chưa phải là dài nhưng Trung tâm đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ, với những con số ấn tượng trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học Việt Nam. Sự có mặt của Trung tâm đã góp phần thay đổi nhận thức về di sản của các nhà khoa học và đưa loại hình di sản này trở thành một yếu tố cấu thành của di sản văn hóa Việt Nam. Trong chặng đường sắp tới, Trung tâm vẫn rất cần sự ủng hộ và chung tay của các nhà khoa học, của toàn xã hội để thực hiện một cách tốt nhất sứ mệnh cao cả của mình.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam