35 năm – mấy vạn ngày rồi nhỉ?

 Phó giáo sư Cao Minh Thì sinh năm 1937 trong một gia đình nhà giáo ở Cần Thơ. Năm 14 tuổi, tiếp bước cha và anh, cậu xung phong đi bộ đội. Năm 1954, chàng thanh niên Cao Minh Thì tập kết ra Bắc, học ở Trường học sinh miền Nam số 14. Một năm sau, ông được chuyển sang học trường Bổ túc Văn hóa công nông Trung ương.

Ước mơ Học sư phạm để sau này trở về miền Nam dạy học. Ở nơi đấy, các em đang cần tôi đem cái chữ về[1], Cao Minh Thì thi đỗ vào khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1957-1960). Tốt nghiệp với thành tích học tập loại giỏi, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Sau 6 năm gắn bó với giảng đường, với sinh viên, thầy Cao Minh Thì được cử đi nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V. Lomonosov (1966-1970), và bảo vệ thành công đề tài “Nghiên cứu cấu trúc tinh thể của hợp kim Cu-Be-Ti và hợp kim Cu-Ag-Ti”. Về nước, ông trở lại mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiếp tục làm công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Tháng 3-1975, khi ông đang dưỡng bệnh liên quan đến tim đập nhanh, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hồ Trúc tới thăm và ngỏ ý cử ông vào xây dựng, phát triển công tác giáo dục, đào tạo ở miền Nam. Nghe vậy, ông trả lời ngay: Nói thật với anh, vào miền Nam dù có phải bò tôi cũng đồng ý[2]. Ngày 20-4-1975, ông nhận quyết định tập trung tại trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc[3] để chuẩn bị vào miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn đến nói chuyện và giao cho đoàn ba nhiệm vụ: Đảng, Nhà nước yêu cầu các đồng chí ba việc: Điện Sài Gòn phải sáng, chợ Sài Gòn phải họp và trường Sài Gòn phải học[4]. Tạm gác niềm đam mê nghiên cứu về hợp kim để nhận trọng trách của Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, bởi theo ông: Con người còn là hợp kim quý hơn, nên tôi chọn đi vào công tác giáo dục và quản lý giáo dục[5]

Đến Sài Gòn, Lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam giao cho TS Cao Minh Thì đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Quân quản trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức. Nửa năm sau, ông được điều chuyển về làm Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, phụ trách công tác phát triển ngành khoa học tự nhiên. Ông không quản ngại ngược xuôi từ Nam ra Bắc để xin trang thiết bị cho phòng thí nghiệm của trường. Đồng thời, ông còn về các tỉnh miền Nam để hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho địa phương.

 PGS.TS Cao Minh Thì, 21-5-2018

Năm 1981, PTS Cao Minh Thì được phân công làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Với yêu cầu của nhiệm vụ mới, ông trực tiếp về tận cấp huyện (Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn…) tìm hiểu nhu cầu về giáo viên, để kịp thời mở lớp bồi dưỡng, đào tạo, bổ sung giáo viên đảm bảo chất lượng dạy và học. Năm 1984, ông Cao Minh Thì xuống Hóc Môn mở lớp đào tạo giáo viên, trên đường đi đã bị tai nạn giao thông khiến ông gãy hai chân. Kể từ đó, ông gắn bó với cây nạng gỗ, nhưng chẳng vì thế mà làm giảm đi lòng nhiệt huyết của ông với sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Năm 1989, PGS Cao Minh Thì được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh. Thời điểm này, đất nước còn nhiều khó khăn, giáo viên bị nợ lương 3 đến 4 tháng. Không có lương nhiều người bỏ nghề, thành phố lại càng thiếu giáo viên. Bài thơ “Em yêu đấy”, được sáng tác thời kỳ này là ông muốn chia sẻ tâm sự: Tôi đã coi ngành giáo dục như người mình yêu, có vậy tôi mới làm tốt và hết mình vì nó được[6]

…Anh đến Sài Gòn trong buổi chiều mưa lạnh

Cuộc chiến tranh đã tàn phá dài lâu

Những thiên tai, bão dầy sâu

Em ơi, trời Sài Gòn dứt cơn mưa là nắng

Đổi đời em trong cuộc đổi mới diệu kỳ

Hãy ngẩng lên nhìn thẳng đến tương lai

Cho cuộc sống ngày mai thêm tươi đẹp.

Nhiệm vụ đầu tiên của Giám đốc Sở Cao Minh Thì là “trả nợ” lương giáo viên. Ông chạy vạy từ chỗ này đến chỗ khác vay mượn tiền, thậm chí bán nhà để đảm bảo đời sống cho cán bộ, nhân viên. Đồng thời, ông đề xuất, vận động chính quyền địa phương đầu tư xây dựng trường lớp. Ông tâm sự: Tôi tâm huyết nhất là mở được hệ B trong các trường phổ thông công lập. Vừa giải quyết được chỗ học cho học sinh, vừa phần nào nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên8. Nhờ vậy, tình trạng học ba ca đã được xóa bỏ, giáo viên được lĩnh lương đúng kỳ hạn.

Phó giáo sư Cao Minh Thì nhận quyết định nghỉ hưu (năm 1997), cũng là khi Nhà nước có chủ trương mở các trường đại học dân lập. Ông cùng bạn bè mở trường Đại học Dân lập Văn Lang, sau là trường Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh (HUTECH), Đại học Tôn Đức Thắng. Ban lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vấn đề vì sao ông lập nhiều trường, ông trả lời: 10 học sinh tốt nghiệp phổ thông chỉ có 2 em được học đại học. Vậy còn 8 em sẽ đi đâu. Tôi mở nhiều trường là để cho 8 em còn lại có chỗ học[7]. Đến nay, Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh là một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt, hình mẫu cho các trường tư thục ở nước ta.

Vẫn luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước, PGS Cao Minh Thì đã trải lòng bằng những vần thơ (trong bài “35 năm giải phóng Sài Gòn”, 2010):

Ngày giải phóng tôi mới tròn 37

Nhưng bây giờ tôi đã tuổi 73…

35 năm qua mấy vạn ngày rồi nhỉ

Nhưng riêng tôi chưa được nghỉ ngày nào

Vẫn phải lo toan cho việc thiếu trường thiếu lớp

Vẫn phải lo toan cho việc chưa đủ giáo viên

Vẫn phải lo toan cho đàn em nhỏ

Đứa ngoan, đứa hư, đứa bỏ học biết làm sao đây…

PGS.TS Cao Minh Thì hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm, 21-5-2018

Sau ba nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị HUTECH, PGS Cao Minh Thì quyết định trở về với công tác nghiên cứu khoa học: Hơn nửa đời làm giáo dục là ngần ấy thời gian dành cho quản lý, “về hưu” đối với tôi là để tập trung nhiều hơn cho chuyên môn[8]

Về với công tác nghiên cứu khoa học, PGS Cao Minh Thì tập trung trong nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano ở Việt Nam. Năm 2013, phòng thí nghiệm nano mang tên Cao Minh Thì (CM Thi Lab) được thành lập và đi vào hoạt động, đặt trụ sở tại HUTECH. Toàn bộ trang thiết bị (hệ khử quang, hệ phủ nhúng, hệ phủ quay, hệ nghiền bi, các hệ lọc nước, bể rửa siêu âm, máy li tâm tốc độ cao,…) với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng đều do ông đóng góp. Đến nay, phòng thí nghiệm mang tên ông đã công bố 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, hơn 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế. Ông chủ biên một số đầu sách: Nano kim loại và Oxit kim loại (2012); Khoa học và ứng dụng công nghệ Nano (2015); Fundamentals of Nanotechnology (2015)…

Phó giáo sư Cao Minh Thì đã dành trọn cuộc đời mình cho công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bằng tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước và sự tâm huyết với nghề ông đã hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó “Trường Sài Gòn phải học”: Năm tháng qua tôi luôn cố gắng hết mình để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu nói của Bác nhưng thật đúng với cuộc đời tôi[9]

Tạ Thị Anh

_______________________

*PGS.TS Cao Minh Thì, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh (1989-1997).

[1]Nguồn:http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Guong-giao-duc/Nha-giao-Cao-Minh-Thi–Mot-doi-vi-su-nghiep-GDDT-cua-TP-HCM-post32924.gd

[2] Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Guong-giao-duc/Nha-giao-Cao-Minh-Thi–Mot-doi-vi-su-nghiep-GDDT-cua-TP-HCM-post32924.gd

[3] Nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[4] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm DSCNKHVN.

[5] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu đã dẫn.

[6] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu đã dẫn.

[9] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Cao Minh Thì ngày 21-5-2018, tài liệu đã dẫn.