1-Bốn năm trên giảng đường – vỡ hoang
Từ nhỏ được quan sátt ba mẹ chăm sóc chữa bệnh cho bệnh nhân, tôi đã mơ ước sau này mình cũng được khoác chiếc áo trắng và chữa bệnh cho mọi người như ba mẹ mình. Tôi đi đăng ký thi vào Đại học Y nhưng lại thi trượt. Gác lại ước mơ tôi đành theo học Đại học Văn hoá, cốt là lấy cái bằng rồi sau này kiếm việc gì đó làm. Vào Đại học Văn hoá học ngành Bảo tàng, phải học cái ngành mình không yêu thích, hàng ngày chúng tôi vẫn lên giảng đường để cố nhồi vào đầu những mớ lý thuyết lùng nhùng mông lung. Biết làm sao được khi đã “dấn thân vô”…? Dần dần, mảnh đất bảo tàng hoang vắng trong tôi cũng được vỡ ra. Nhưng thực sự mới chỉ là vỡ hoang thôi, để bớt u u minh minh thôi, với những bài học kiểu như: cơ sở Bảo tàng học, sưu tầm hiện vật, công tác giáo dục Bảo tàng, trưng bày bảo tàng,… Tất cả các bài học ấy chỉ mang tính lý thuyết, thực sự tôi cảm thấy chán nản vô cùng.
Nhưng chẳng lẽ mình cứ ngồi đây và chán nản như vậy sao?
Tôi nghĩ vậy, và tìm cách để cuộc sống của mình vui vẻ và có ý nghĩa hơn. Tôi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện ở trường, tình cờ tôi biết đến những chương trình tình nguyện của Bảo tàng Dân tộc học, ban đầu chỉ là những hoạt động tổ chức trò chơi cho trẻ con trong những ngày lễ, nhưng tôi được đắm mình trong không gian và môi trường mà tôi sẽ làm việc sau này. Xem người ta làm, hỏi những gì mình không biết, xin được làm vào việc cụ thể khi có thể trong phòng kiểm kê – bảo quản của Bảo tàng. Tại đây tôi đã được trực tiếp tham gia công tác kiểm tra chất lượng hiện vật tại kho và nhập phiếu kiểm tra vào máy. Tuy công việc rất đơn giản những tất cả cũng giúp tôi ngộ ra nhiều điều về bảo tàng và công việc của một cán bộ bảo tàng. Dù mới chỉ là mon men thôi, nhưng dần dần, cùng với lý thuyết trên giảng đường mỗi ngày một nhiều thêm, tôi bắt đầu cảm thấy mình không hẳn đã sai lầm khi lựa chọn con đường này. Tôi cảm thấy hứng thú hơn với những bài giảng trên lớp, tôi đi thăm nhiều Bảo tàng khác, không chỉ để giải trí mà còn để so sánh, tích lũy thêm kiến thức cho bản thân ở nhiều góc độ khác nhau.
2-Bốn tháng thực tập – cày cấy
Tạm gọi là có mặt đất bằng rồi, nhưng tôi chỉ thực sự bắt tay vào “cày cấy” khi có được 1 tháng kiến tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ở đây, chúng tôi được chỉ dẫn làm công việc cụ thể, đôi khi cũng được bắt tay vào việc như một công chức nhà nước thực thụ. Ví dụ: Bảo quản ảnh, báo, tạp chí, vệ sinh kho hiện vật,… Tuy nhiên, mới là sinh viên năm thứ 3 và bảo tàng lại thuộc quản lý của Nhà nước nên chúng tôi cũng chưa có điều kiện được tham gia nhiều vào công tác của Bảo tàng.
Tôi tiếp tục con đường tiếp cận thực tiễn thông qua thực hành, thực tập. Và cơ duyên nữa lại đến với tôi: tôi được giới thiệu vào làm cộng tác viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Đây là một tổ chức ngoài công lập, không phải của Nhà nước, điều đó cũng làm tôi hơi e ngại, nhưng miễn là tôi được làm, được học hỏi qua công việc. Một môi trường hoàn toàn mới, công việc mới. Tôi được trực tiếp tiếp xúc với hiện vật, hầu hết những tài liệu hiện vật ở đây chủ yếu là chất liệu giấy, nhưng đó là những tài liệu bản thảo khoa học rất quý giá của các nhà nghiên cứu.
Tuần đầu tiên với tôi thật khó khăn. Rồi mọi lo lắng cũng qua đi và kết quả là những gì tôi đã làm và những kiến thức thu nhận được sau một tháng làm việc trung tâm đã hỗ trợ cho công việc học tập ở trường, nhưng quan trọng hơn là điều tôi e ngại ban đầu về một đơn vị không phải là Nhà nước đã được giải toả, bởi ở đây, tôi không chỉ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công việc để bổ trợ kiến thức mà còn được tôn trọng, được chỉ bảo tận tình trong chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong cách ứng xử với mọi người ở các môi trường khác nhau. Tôi thấy tự tin hơn rất nhiều và nhận ra một điều là nếu mình luôn lo sợ mình không làm được thì mình sẽ không bao giờ có thể thành công, và điều quan trọng không phải là cơ quan Nhà nước hay một tổ chức tư nhân, mà quan trọng hơn là cung cách quản lý và môi trường làm việc.
Vệ sinh, phân loại tài liệu tại Trung tâm
Đó là lý do để khi tôi nhận được tin là ở Trung tâm nhận sinh viên
thực tập tôi đã xin về đây luôn. Ở đây tôi được trực tiếp tham gia vào những công vệc chuyên môn, đó là một điều kiện tốt để tôi có thể vận dụng những kiến thức mà mình đã học vào thực tiễn và tích lũy thêm kinh nghiệm cho mình sau này. Không giống như khi thực tập ở Bảo tàng nhà nước, các cô chú cán bộ đôi khi có thể vì thương chúng tôi, hoặc cũng có thể không tin chúng tôi lắm, sợ chúng tôi làm hỏng việc, hoặc cũng có thể muốn cho công việc chóng hoàn thành, nên hay làm thay chúng tôi, song vẫn nhận xét tốt cho chúng tôi. Còn 1 tháng làm cộng tác viên và 3 tháng thực tập tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, có lúc tôi đã có cảm giác mình là một nhân viên bảo tàng thực rồi, được “cày cấy” thật trên “mảnh ruộng” của mình.
Lập danh mục tài liệu của các nhà khoa học
Thời gian ở đây chúng tôi được trực tiếp tham gia vào các công việc của kho như: vệ sinh kho hiện vật, phân loại, lập danh mục tài liệu, viết phiếu kiểm kê, sắp xếp tài liệu hiện vật phục vụ cho trưng bày. Chỉ trong 3 tháng thực tập chúng tôi đã thu nhận được rất nhiều kiến thức qua những hoạt động thực tiễn mà chúng tôi được quan sát và trực tiếp làm. Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành chúng tôi còn học hỏi được rất nhiều kiến thức khác qua mỗi tài liệu của các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà chúng tôi may mắn có dịp tiếp cận như: tấm gương ham học hỏi, nghiên cứu; tinh thần tự học và các phương pháp học ngoại ngữ. Những tài liệu ấy thực sự đã làm tôi rất xúc động và có thể đó cũng là một động lực thúc đẩy tôi luôn luôn cố gắng hết mình để không chỉ hoàn thành công việc được giao mà phải cố gắng làm tốt hơn nữa.
3-Bốn ngày làm việc với chuyên gia về bảo tàng – thu hoạch
Người ta vẫn nói “phúc bất trùng lai”, nhưng với riêng tôi, trong việc học nghề, hình như tôi liên tục may mắn. Số là, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chuẩn bị tổ chức trưng bày lần đầu tiên về một số nhà y học. 3 chuyên gia người nước ngoài đã được mời đến tư vấn về chuyên môn trưng bày cho cán bộ Trung tâm, mà trước tiên là chuyên gia nội dung, bà Christine Hemmet công tác tại Bảo tàng Quai Branly (Pháp). Rất may cho 4 sinh viên đang thực tập tại Trung tâm, chúng tôi được Giám đốc Trung tâm cho phép cùng dự đợt làm việc với chuyên gia Christine.
Như một thế giới mới mở ra trước mắt chúng tôi. Trên danh mục nội dung hiện vật tài liệu cụ thể về 5 nhà y học mà cán bộ Trung tâm đã chuẩn bị, chuyên gia Christine đã cho chúng tôi một cách nhìn mới về trưng bày theo quan điểm bảo tàng hiện đại: không chỉ là những khái quát chung như quan điểm tiếp cận vấn đề, mục tiêu mà còn là những giải pháp rất cụ thể, chi tiết đến từng câu chữ, từng cm2 không gian trưng bày, cách lựa chọn hiện vật, cách bố trí các hiện vật các tủ trưng bày…nhằm mang tới cho công chúng một trưng bày hiệu quả và sinh động.
Các bạn sinh viên phát biểu trong buổi Tổng kết đợt thực tập tại Trung tâm
Trước đây, những kiến thức về việc tổ chức một trưng bày mà chúng tôi được học chỉ là những khái niệm, định nghĩa, phương pháp theo quan điểm cũ, nó đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều Bảo tàng trong và ngoài nước. Chúng tôi cứ đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Có thể nói, trong suốt 4 ngày làm việc cùng chuyên gia và một ngày cùng cán bộ Trung tâm viết thu hoạch, xây dựng các nguyên tắc trưng bày theo quan điểm hiện đại, chúng tôi đã có được một “mùa bội thu”. Đó sẽ là hành trang để chúng tôi vững bước trong những ngày tháng cuối còn trên ghế nhà trường và cho sự nghiệp sau này.
*
Bây giờ thì chúng tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng như những sinh viên khác, nhưng điều quan trọng là chúng tôi luôn tin rằng mình sẽ vượt qua vì chúng tôi đã có một hành trang lớn, đó là những kiến thức chúng tôi tích lũy được trong 4 năm học và 4 tháng thực tập vừa qua, và đặc biệt là 4 ngày làm việc cùng chuyên gia. Hơn nữa, đó là một quan niệm mới về môi trường làm việc. 4 ngày trong 4 tháng, 4 tháng trong 4 năm, tất cả đang hoà quyện trong mỗi chúng tôi, để chúng tôi vững tin bước những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp làm bảo tàng của chúng tôi, sẽ không bỡ ngỡ về kỹ năng nghiệp vụ và cũng sẽ không còn hoang mang về tinh thần, tình yêu với nghề nghiệp, không còn phải băn khoăn rằng nơi mình làm việc là Nhà nước hay tư nhân nữa.
Thỉnh thoảng tôi lại tự hỏi, chúng tôi sẽ ra sao nếu 4 năm không có 4 tháng ấy, và 4 tháng ấy lại không có 4 ngày ấy?
Ngọc Vân
Sinh viên thực tập tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, năm 2011