Mặc dù tuổi cao, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng GS Vũ Ngọc Lộ – nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dược liệu, trường Đại học Dược Hà Nội – vẫn dành thời gian hàng ngày đọc sách báo để cập nhật tri thức. Đó là thói quen của ông được hình thành từ tinh thần tự học, tự đào tạo trong suốt những năm tháng học tập và công tác.
Sinh năm 1922, trong một gia đình địa chủ khá giả, Vũ Ngọc Lộ có một cuộc sống sung túc từ nhỏ. Tuy nhiên, với tinh thần ham học và suy nghĩ muốn tiến lên bằng con đường học vấn, ông đã quyết tâm vượt qua rào cản thành phần gia đình để học tập.
GS Vũ Ngọc Lộ
Từ khi bắt đầu vào học tại trường Đại học Y – Dược khoa (1946), sau đó tham gia Quân dược phục vụ kháng chiến chống Pháp (1947-1954), Vũ Ngọc Lộ luôn nêu cao tinh thần tự học, tự tìm tòi và bổ sung những kiến thức chuyên ngành.
Từ năm 1961, sau khi về công tác tại Bộ môn Dươc liệu, trường Đại học Dược Hà Nội, ông thường xuyên ghi chép lại những kiến thức tìm hiểu được qua sách, báo và các tư liệu về chuyên ngành Dược liệu, thường xuyên cập nhật những tri thức dân gian về các cây thuốc, bài thuốc chữa bệnh để phục vụ cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Ông luôn có suy nghĩ: "Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, sách giáo trình và tài liệu giảng dạy còn hạn chế, không còn con đường nào khác là phải tự học, vừa giảng dạy, vừa tự đào tạo để nâng cao chuyên môn của bản thân".
Sưu tập sổ ghi chép của GS Vũ Ngọc Lộ tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
Trong buổi làm việc, ông đã trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sưu tập sổ ghi chép, sổ tự học trong thời gian công tác và giảng dạy tại trường Đại học Dược Hà Nội từ những năm 1980 đến khi về hưu. Đặc biệt trong số đó có những bài thuốc dược liệu được ông cắt ra từ nhiều tờ báo khác nhau, những ghi chép phỏng vấn trong quá trình đi khảo sát thực tế về cây thuốc, những ghi chép về giảng dạy chuyên môn… Đây là những tư liệu rất ý nghĩa, thể hiện tinh thần học tập và làm việc nghiêm túc của GS Vũ Ngọc Lộ, là bài học cho các thế hệ trẻ nối tiếp noi theo.
Phạm Ngọc Hải