Nếu chậm 10 phút thì tôi đã chết rồi
Quá nhiều việc như thế, ông có thấy mệt không?
Tôi thấy vui. Thực ra sức khỏe của tôi gần đây có sự cố. Tôi bị nhồi máu cơ tim hồi trước Tết. Nếu chậm 10 phút thì tôi đã chết rồi.
Nhìn cái danh thiếp của ông tôi thấy ghi một đống các chức danh! Mà như ông tâm sự thì chức danh nào ông cũng làm hết mình cả. Không hiểu ông thấy chán nhất công việc gì trong số những công việc ông đang làm?
Tôi chẳng có gì để chán cả. Nếu chán thì tôi đã không làm.
Niềm vui của GS, ĐBQH Nguyễn Lân Dũng chính là công việc.
Ông nghĩ là ông sẽ làm việc với cường độ như thế này trong bao lâu nữa?
Tôi nghĩ là đến lúc nào mình không đủ sức thôi. Công việc làm tôi thấy vui vì nó có ích. Việc mà không có ích là tôi không làm.
Nhưng việc ông thấy có ích, khônghẳn là người khác cũng thấy có ích. Ví dụ như việc tiếp xúc cử tri. Như chính ông biết thì có rất nhiều đại biểu Quốc hội thoái thác công việc này?
Như vậy là vô trách nhiệm. Họ không thấy cái niềm vui của việc được nhân dân yêu quý.
Đừng nhớ đến những chuyện bực mình
Có khi nào ông thấy bực mình, giận dữ về người khác hay không?
Tôi có cuộc sống thanh thản. Tôi rút ra được một chân lý mà tôi vẫn nói với các bạn trẻ: “Đừng bao giờ quên những người tốt mình gặp. Nhưng cũng không cần bao giờ nhớ làm gì những người xấu mình đã gặp”.Tôi thấy nhiều người cứ hay bần thần, khó chịu khi thấy người nọ, người kia nói xấu mình.
Tôi thì tôi nghĩ hơi ác một tí. Tôi chỉ phê bình những người nào tôi quý mến. Đứa tốt thì mình phê bình cho nó tốt lên, chứ đứa xấu thì mình phê bình làm gì, cứ để cuộc đời dậy cho họ những bài học sâu sắc.
Sao ông lại suy nghĩ như vậy? Tôi tưởng chúng ta “có trách nhiệm” làm việc thiện, giúp đỡ người xấu trở thành người tốt chứ?
Đó chỉ là lý thuyết. Thực tế, mình mà phê bình người xấu, người ghét mình, thì nó càng ghét mình hơn. Nó đã ghét mình thì phê bình nó làm gì. Nó nói xấu mình mà nếu mình không xấu thì người khác sẽ cười nó thôi.
"Ông nghị không lương" đang tiếp khách tại nhà.
Trên mạng tôi gặp một bài về các Giáo sư dởm (!). Trong các vị “giáo sư dởm” đó có tên tôi. Nhưng tôi lại được xếp cùng với những tên tuổi lớn như Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Doan, Đào Trọng Thi… Người nào viết bài đó đã cố tình lấy tiêu chuẩn phải có nhiều bài nghiên cứu công bố ở một số tạp chí nhất định. Tôi chẳng quan tâm vì họ nói sai. Không phải chỉ có các tạp chí ấy mới có giá trị. Tôi đã công bố khoảng 100 bài nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước. Đâu phải là người không tận tụy với nền khoa học nước nhà. Dởm hay không do nhân dân đánh giá. Băn khoăn làm gì khi thế giới mạng hiện nay là nơi ai cũng có quyền tung lên mọi ý kiến.
Ông nghị không lương!
Ông nhiều chức danh như vậy số tiền hàng tháng ông nhận được hẳn cũng "xứng đáng"?
Hoàn toàn không, tất cả những chức danh này đều không có lương. Ngoài lương hưu trí tôi chỉ nhận thêm hai khoản phụ cấp. Đó là 1 triệu đồng/tháng của Viện và phụ cấp (bằng mức lương tối thiểu) của Đại biểu Quốc hội.
Một góc làm việc của ông trong ngôi nhà "gầm chạn".
Nghe có vẻ khó tin? Tôi tưởng ông mỗi tháng phải lĩnh hàng chục ngàn đô tiền lương thì mới xứng đáng với công sức lao động mà ông bỏ ra chứ?
Đó là niềm vui, tôi đã nói rồi. Làm cái gì có ích là tôi thấy vui. Có ích thì được nhân dân yêu mến. Uy tín của tôi đâu phải vì quyền cao chức trọng. Mình làm cái gì cũng vậy, đừng nghĩ đến tiền nhưng qua các công việc cụ thể (viết báo, chấm thi…) tự nhiên cũng sẽ có tiền đủ sống.
Ông có thấy mâu thuẫn không khi cả xã hội này đang bị đồng tiền chi phối?
Tôi còn nhớ, hầu như chỉ có mỗi mình tôi ở trường Đại học Tổng hợp cũ là không xin nhà. Tôi dạy từ khóa 1 chắc là tôi chỉ xin là được. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, tôi mà xin thì sẽ có người thực sự đang chưa có nhà sẽ không được. Vậy thì mình hãy vui lòng nhường suất nhà đó cho người đang có khó khăn hơn mình.
Tại sao lại so một người tự trọng với một người không tự trọng?
Nhưng ông đã có nhà rồi thì ông không “xin thêm” là đúng! Chẳng lẽ ông muốn làm “quan tham”?
Nhà tôi đang ở đây là “gầm chạn” – nhà của vợ tôi được phân đấy chứ. Mình phải tự trọng chứ. Cơ quan tôi có bạn thắc mắc: “Có người có nhà cho Tây thuê rồi nhưng vẫn xin được nhà và sau đó bán ngay nhà hay đất được phân?” Tôi nói luôn rằng: “Tại sao lại so sánh với một người thiếu tự trọng?”
Tôi cảm thấy hơi tâm linh một chút là khi mình sống tử tế thì sẽ được trời phù hộ. Nói tâm linh thế nhưng tôi chưa gặp một tai nạn nào mà tôi không vượt qua được. Cái lần tôi bị nhồi máu cơ tim, chỉ chậm 10 phút là tôi chết rồi. Nếu tối hôm trước tôi không từ Đắk Lắk ra, nếu con trai tôi hôm ấy không từ Thanh Hóa ra kịp thời thì tôi cũng đã chết rồi. Đúng là Trời có mắt đấy.
Có vẻ như ông có một hình ảnh khá đẹp về bản thân! Không hiểu ông có nhược điểm gì không?
Tôi có nhược điểm là tôi ít đấu tranh. Tôi chỉ đấu tranh với những người tôi thân thiết. Tôi cũng ít chịu rèn luyện thể chất như ông bố tôi, người ngày nào cũng tập hàng giờ buổi sáng sau đó tắm nước lạnh, kể cả khi đã ngoài 90 tuổi và trời mùa đông giá lạnh.
Điều đó có vẻ không hợp lý lắm khi trong kỳ họp Quốc hội nào ông cũng là người nói nhiều, chất vấn nhiều, phản biện nhiều?
Ý tôi là đấu tranh phê bình, phê bình cá nhân thôi. Còn trách nhiệm với nhân dân, với cử tri thì tôi luôn làm hết mình.
Tôi có một thói quen là nghe nhạc bằng tai nghe trước khi ngủ. Tôi nghe cho đến khi chìm vào giấc ngủ và cứ để tiếng nhạc ru cả đêm. Không phải tôi không biết đây là một thói quen phản khoa học vì nó sẽ không tốt cho tai. Thế nhưng với tôi như thế vẫn còn là khoa học bởi nếu tôi không nghe nhạc thì rất nhiều công việc thường trực hàng ngày khác sẽ choán hết suy nghĩ của tôi và tôi không thể ngủ được.
Vậy có khi ông phải tập thiền cho tâm nó tĩnh và tôi nghe đó cái món đó rất tốt cho chữa bệnh?
Không. Tôi không thiền được. Tôi bận lắm rồi. Tôi cảm thấy quỹ thời gian của tôi không còn nhiều. Thời gian này tôi đang cố gắng viết những gì mình đã chuẩn bị từ lâu và cảm thấy sẽ có ích cho xã hội.
Vâng. Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị này. Chúc cho ông luôn sức khỏe để nhiều người dân được cậy nhờ.
Nguyên Thủy – Tô Hội