Nghĩ về sự kiện Ngô Bảo Châu

Viên kim cương Ngô Bảo Châu được phát hiện từ quặng mỏ Việt Nam và được mài giũa tại Pháp để trở nên chói rạng trên toàn thế giới. Và khi ông được trao tặng giải thưởng toán học danh giá Fields, chẳng những người Việt chúng ta vinh dự mà người Pháp cũng vinh dự.

Mọi người, và cả Ngô Bảo Châu, đều thừa nhận rằng nếu không có cơ hội được tiếp cận công nghệ đào tạo tiên tiến, được học hỏi, nghiên cứu và giảng dạy tại Pháp và Mỹ, hai cường quốc thế giới về khoa học cơ bản, không chắc Ngô Bảo Châu đã có thể bước lên đài vinh quang cao nhất của môn toán học thuần túy, lĩnh vực khoa học chỉ dành cho các trí tuệ siêu việt được tạo điều kiện tốt nhất để vươn đến những chỗ thâm sâu thuần lý nhất của khoa học. Khoa học cơ bản không phải là thế mạnh và cũng không phải là nhu cầu bức thiết của các nước đang phát triển vì nhiều lý do dễ hiểu, trong đó có cả lý do kinh tế.

Chính vì vậy, việc Ngô Bảo Châu tiếp tục ở lại Pháp và Mỹ để giảng dạy và nghiên cứu được mọi người xem là chuyện bình thường, vì lợi ích của chính anh và của nền khoa học nhân loại.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ trên lĩnh vực khoa học cơ bản. Ngay cả trên lĩnh vực khoa học ứng dụng và khoa học xã hội, lĩnh vực mà các nước đang phát triển đang rất cần nhân tài để có thể tiến bộ nhanh hơn và bắt kịp các nước tiên tiến, tình trạng chảy máu chất xám Nam Bắc vẫn xảy ra. Lý do chung nhất vẫn là không có hệ thống đào tạo tốt và cũng không có chính sách sử dụng nhân tài tốt.

Tại sao viên kim cương trí tuệ chỉ có thể chói sáng ở các nước công nghiệp phát triển mà không thể chói sáng ở quê nhà là một câu hỏi không khó nhưng lại nan giải. Trong vòng ba thập niên gần đây, chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất làm đảo ngược dòng chảy chất xám Nam Bắc bằng một quốc sách trọng dụng nhân tài không mới mẻ – Trung Quốc vốn là nước có truyền thống lâu đời trọng dụng nhân tài – và điều đó đã biến nước này từ một quốc gia lạc hậu thành một cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Năm 2005, Ngô Bảo Châu, một nhà trí thức dòng dõi, cha là giáo sư tiến sĩ khoa học và mẹ là phó giáo sư tiến sĩ y dược, được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Được đặc cách có nghĩa là chưa hội đủ tiêu chuẩn giáo sư theo chuẩn mực Việt Nam, mặc dù trước đó Ngô Bảo Châu đã là giáo sư tại Đại học Paris VI và Paris XI và đã nhận giải thưởng của Viện Toán học Clay của Mỹ. Điều đó cho thấy tiêu chuẩn về học hàm học vị trong hệ thống đại học của chúng ta khắt khe hơn, nghiêm nhặt hơn, và một trong các chuẩn mực khó khăn đó là độ chin muồi của tuổi tác.

Nguyên tắc sống lâu lên lão làng có thể là một chuẩn mực tốt ở một vài lĩnh vực, nhưng trong các lĩnh vực khoa học, văn học và nghệ thuật nó trở thành một chướng ngại cho những tài năng trẻ, những thiên tài. Lịch sử khoa học và nghệ thuật thế giới cho thấy ở nhiều nước công nghiệp phát triển đã có những thanh niên kiệt xuất bước lên bục giảng đại học từ lúc còn rất trẻ, chưa đến tuổi 30. May mắn cho chúng ta là Ngô Bảo Châu đã được đặc cách phong giáo sư vào thời điểm đó, để bây giờ chúng ta có thể vui mừng trọn vẹn đón nhận tin Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng Fields.

Một hệ thống chuẩn mực học hàm học vị nghiêm nhặt và khắt khe nhằm mục tiêu làm tăng giá trị kết quả giáo dục đào tạo là điều tốt, nhưng điều tốt hơn là đạt đến một sự công nhận quốc tế rộng rãi cho các văn bằng và học vị của chúng ta, một sự công nhận tối cần thiết, giúp tránh được những lãng phí về thời gian và tiền bạc, công sức cho những người được đào tạo.

Đất nước chúng ta đã có trên hai thập niên đổi mới và mở cửa, nền kinh tế của nước ta đã hội nhập khá sâu vào nền kinh tế thế giới và đã đạt được những thành tựu ngoạn mục, nhưng trong khi các ngành nông nghiệp và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của chúng ta đã có những sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì sản phẩm của nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa ngang tầm thế giới. Đến khi nào chúng ta mới có vinh dự đón mừng một trí tuệ Việt khác tiếp nhận một giải thưởng uy tín quốc tế với tư cách công dân Việt mà không chỉ là người gốc Việt?

Công trình của Ngô Bảo Châu chứng minh Bổ đề cho chương trình Langlands được nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới đánh giá là tuyệt vời và xuất sắc. Nhưng chính nhận xét của Julie Rehmeyer trên tạp chí Wired mới thực sự nói lên khía cạnh thiên tài của Ngô Bảo Châu: “Anh có một cách tiếp cận cực kỳ mới lạ mà chưa từng ai nghĩ tới, tạo nên một kết nối mạch lạc, khiến Bổ đề cơ bản phức tạp trở nên đơn giản và nhờ đó… đã cung cấp một nền tảng vững chắc cho nhiều lý thuyết khoa học…”.

Trường hợp của Ngô Bảo Châu đã cho thấy rằng việc mở ra những cách nhìn mới, những cách tiếp cận mới và tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo của tư duy mới trên các lĩnh vực khoa học là mục tiêu chân chính của đào tạo đại học ở bất cứ nơi đâu. Trong ý nghĩa đó, một nền giáo dục đại học chân chính phải là một nền giáo dục nhân bản và không nhân bản, tức là phải lấy con người làm gốc và tạo nên sự khác biệt, chứ không phải nhân ra nhiều bản sao.

Mọi người dân Việt chúng ta, từ các nhà lĩnh đạo chính trị đến người dân trên đường phố, đều lấy làm vinh dự khi tiếp nhận tin Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, một giải thưởng được xem là một Nobel toán học. Điều này cho thấy đất nước chúng ta đã có một cái nhìn cởi mở hơn và thân thiện hơn về những giải thưởng quốc tế có uy tín, chấp nhận cách đánh giá khách quan của họ về các tiêu chuẩn giá trị khoa học. Nhưng điều này phải chăng chỉ được giới hạn trong phạm vi khoa học cơ bản và khoa học tự nhiên hay còn có thể mở rộng ra đối với khoa học xã hội, nhân văn hay văn hóa nghệ thuật.

Khoa học tự nhiên và cơ bản vốn không phải là thế mạnh của các nước thuộc thế giới thứ ba, nhưng văn học nghệ thuật là lĩnh vực họ không hề kém cạnh. Một nhà thơ Ấn Độ, một nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ hay một nhà văn châu Mỹ Latin đã từng được giải Nobel văn học và làm rạng danh đất nước họ. Đã có một người Việt Nam được “Nobel toán học” thì tại sao không thể có một người Việt Nam được Nobel văn học?

Nền văn minh và văn hóa Việt Nam phải phát triển sánh vai cùng với văn minh và văn hóa nhân loại. Chúng ta cần có một xã hội dân sự lành mạnh và cởi mở, trong đó mọi con người không chỉ được cơ hội đồng đều để thăng tiến và phát huy năng lực của mình, mà còn được tự do tuyệt đối trong nhận thức mặc khải của chính mình về chính mình, về xã hội, về thế giới và vũ trụ. Điều đó sẽ mở toang dòng thác sáng tạo và kích thích sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ Việt Nam, một yếu tố quyết định cho sự cường thịnh và trường tồn của quốc gia dân tộc Việt.

Huỳnh Bửu Sơn

Nguồn: tuanvietnam.net/2010-08-24-nghi-ve-su-kien-ngo-bao-chau