Tâm thái nào với sự kiện Ngô Bảo Châu?

Chúng ta đang ngất ngây trong những cảm xúc ngọt ngào, vinh hạnh khi đất nước ta có người con ưu tú, tinh tú nhất đã được vinh danh nơi diễn đàn cao nhất của nền Toán học thế giới.

Một kỳ tích mà đất nước Trung Hoa với dân số hơn ta gấp 15 lần chưa dễ gì có được.

Chúng ta có quyền nghĩ rằng: Cái gì nhân loại làm được, người Việt làm được.
 

a
Ngô Bảo Châu đã đạt được kỳ tích

Nhưng, bình tâm lại, rút đúc đôi dòng sau sự kiện vui mừng này là những điều cần trăn trở để làm được hai điều: Một là chứng tỏ chúng ta đã thực sự trưởng thành, đã có tầm vóc Phù đổng trên một số lĩnh vực. Hai là chúng ta dám mơ tới những thành quả lớn hơn.

Nét thứ hai thuộc phạm trù tư tưởng, phạm trù tâm hồn, ta cứ thỏa sức mơ, ta có thể san sẻ giấc mơ ấy cho các dân tộc khác khi họ biết vươn mình đứng dậy.

Bây giờ, chúng ta bàn đến nét thứ nhất: Ta đã hành xử như thế nào, sẽ làm gì với thành quả lớn lao này qua 5 nét phác dưới đây.

1 – Cách nay hơn 30 năm, có một câu chuyện tiếu lâm hiện đại lưu truyền tại Hà Nội. Chuyện kể rằng: Có một bà nạ dòng dắt đứa con gái tài sắc, bụng mang bầu đến gõ cửa viện khoa học Việt Nam. Bà ta tìm một tay sở khanh là lái xe của viện này, sau khi “gây án” anh ta đã lặn một hơi về đây. Dò hỏi rất khó khăn nay bà mới tìm được nơi chốn.

Cán bộ tổ chức của viện nhiệt tâm tra cứu, tìm tòi giúp bà nhưng không có cái tên anh chàng kia trong danh sách đội xe ít ỏi của cơ quan. Khi bà mô tả cụ thể hình hài, nốt ruồi, cái duyên ăn nói và trang phục thì mọi người ngộ ra là cơ quan có nhân vật này thật, nhưng không phải anh ta là lái xe mà anh ta là… Tiến sỹ KHKT.

Bà già la rầm lên trong nỗi thất vọng. Bà ta cho rằng mẹ con, dòng họ bà đã bị lừa đảo. Tay kia đã dối bà và mẹ con bà tưởng anh này là… lái xe nên mới đồng ý trao thân gửi phận cho anh ta chứ nếu bà biết anh ta là tiến sỹ thì không đời nào. Nên biết, vào thời 1965-1975 thu nhập của một tài xế xe tải, tất cả các khoản trong đó có khoản ăn cắp hàng hóa cao gấp 10 lần lương tiến sỹ là chuyện thường!

Câu chuyện bi hài này, ghi dấu lại một thời chúng ta đã xem thường địa vị, học vị của dân nghiên cứu KHKT đến mức nào.

2 –
Ba bốn mươi năm sau mùa tuyển sinh năm 2010, một tốp bạn đồng học sắp thi đại học ngồi bàn bạc việc chọn nghề, thay vì nguyên mẫu như thời 70 “nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa …” thì những người trẻ này đang công khai toan tính các chọn lựa tuyến đại học nào sau khi có bằng dễ xin việc, mau “quy ra thóc” được nhanh nhất. Ngành nào hiện tại lương lậu cao nhất, khả năng vơ váo các khoản thuộc “phần mềm” cao nhất. Họ nói mà không hề ngượng ngập.

Ở cổng một trường đại học, có những cái xe con biển số xanh từ dăm trăm km chở con “sếp” đi thi, những cử nhân tương lai này đã nhằm đến địa vị, chức quyền từ khi chưa có bất cứ một đóng góp nào cho cuộc sống và được người lớn tiếp sức.
 

a
 

Hơn 30 năm sau câu chuyện hài hước trên, nhìn vào câu chuyện này, vẫn chưa thấy dung mạo thật sự của một đất nước yêu khoa học, một lớp trẻ dám xả thân, một lớp phụ huynh dám đổ tiền của, ước vọng cho con nuôi chí lớn, trở thành những công dân tinh tú như Ngô Bảo Châu.

3 – Chiều nay, một ngày sau khi Ngô Bảo Châu đăng quang, tôi đi mua cái chắn nước cho chiếc xe Dream vừa hỏng, đó là miếng nhựa màu đen gắn vào vị trí sau cùng đuôi xe gần biển số để gạt lại bùn nước khi mưa gió. Hỏi ra vật dụng này của ta rẻ hơn của Thái một nửa tiền. Tôi quyết mua để thể hiện mình thấm nhuần tinh thần yêu nước, người Việt dùng hàng Việt nhưng anh bán hàng cười, thân thiện: Anh là chỗ quen thân nên tôi khuyên thật, đừng mua hàng của ta, chỉ va nhẹ một cái là vỡ, sứt, mua đi mua lại cuối cùng đắt hơn của Thái.

Rõ rồi, vật dụng này cực kỳ đơn giản, không hề có chip điện tử, chưa chắc đã phải vận dụng toán cao cấp mà chỉ cần những kỹ sư hóa ứng dụng để tâm nghiên cứu, học hỏi thêm các nước còn lâu mới có một Ngô Bảo Châu kia là làm được.

Thế mới biết, một nước có những nhà khoa học hàng đầu chưa hẳn đã khỏi xếp hàng sau cùng ở địa hạt ứng dụng thành công KHKT mà vẫn luôn luôn là cái chợ để cả thế giới đổ hàng hóa phẩm cấp tầm tầm vào, đương nhiên, hàng vào, USD ra đi! Và cũng đương nhiên, cuộc sống của cộng đồng sinh ra và sở hữu niềm vinh quang kia chưa hẳn đã khá lên được.

4 – Hơn một lần, tôi và nhiều nhà báo khác đã đề cập đến hình ảnh, thay vì có thể dùng hàng loạt biện pháp kỹ thuật (quay phim, lưu trữ áp dụng xử phạt, bắn tốc độ) hoặc các biện pháp tài chính (nâng mức phạt lên tối đa) để răn đe, hạn chế xe cộ chạy ẩu.

Nhưng để hạn chế tốc độ, ngành bảo đảm an toàn giao thông quốc gia chọn cách làm của thời toàn quốc kháng chiến, chỉ có sự thay đổi là hồi đó khiêng bàn ghế, giường phản ra chặn đường tiến của xe nhà binh Pháp thì bây giờ, đắp lươn tạo trạch bê tông trằn ngang đường để xe cộ đến đó phải đi chậm lại.

Nhưng dù đã đi chậm lại thì người đi đường, từ bệnh nhân cấp cứu đến du khách quốc tế, cả nguyên thủ quốc gia khi qua đây cứ nảy tưng tưng lên như bị tra tấn, hàng hóa dễ bị hư hại, xe cộ mau hư hỏng nhưng các nhà khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, giới hữu trách coi việc áp dụng biện pháp… cơ học cổ điển này như không có gì, nên cứ công nhận và nghiễm nhiên cho phép tồn tại lâu dài như cung cách của năm 1946 đế áp dụng với thời đại công nghiệp hóa.

Thế mới biết, để chiếm lĩnh mặt bằng cao nhất của xã hội, dù khó cũng làm được nhưng khi sức ỳ của giới khoa học phát huy, đánh đố với nhu cầu thăng tiến, với tốc độ thời đại thì những việc nhỏ nhất, cũng khó làm được.

Giờ phút này, chúng ta nên dành một phút để suy ngẫm kỹ hơn về điều này: Khoa học để làm gì hơn là để cải thiện cuộc sống. Nhiệm vụ của nhà khoa học là gì hơn là chiếm lĩnh những đỉnh cao, khẳng định những giá trị rồi khẩn trương đưa nó vào cuộc sống.

Chỉ khi ấy, các giá trị thật của khoa học, của nhà khoa học, của các học hàm, học vị mới có ý nghĩa thật sự, không phù du, không siêu thoát khỏi thực tế cuộc sống.

5 –
Cuối cùng, tôi dành vài lời về cách hành xử của chúng ta sau sự kiện Giáo sư Ngô Bảo Châu bước lên đài vinh quang.

Xin một phút để tôi nhắc lại lời của một nhà văn viết một tùy bút trên tạp chí Văn Nghệ Quân đội vào thời khắc ta khoan được mỏ dầu đầu tiên ngoài biển đông: “Đừng ai hớn hở tưởng rằng, sau khi ta hút được dầu ngoài biển, là vài tháng sau có thể đổ vào xe máy chạy thoải mái..”.

Xin nhái lại ý của nhà văn rất tỉnh táo này là: Đừng ai tưởng rằng, ta đã có phi công bay vào vũ trụ đầu tiên của châu Á là ta sắp bán vé chở khách du lịch lên sao kim, sao hỏa. Đừng tưởng rằng ta chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học là ta hoàn toàn làm chủ được công cuộc phát triển ở nước nhà, thôi lệ thuộc vào những nước chưa – được- như –ta.
 
Trong những khu chế xuất ở Việt Nam, có hàng trăm danh mục từ sản xuất cám ăn cho gia súc đến bao bì, hàng nhựa, cao su gia dụng là của nước ngoài, để thay thế họ, có thể ta cần một quỹ thời gian vài chục năm không chừng.

Đó là 5 ý kiến, của một người cầm bút đa đoan, cảm tác nhân sự kiện lớn của đất nước hôm nay, là để mong một ngày, đất nước của chúng ta, của Giáo sư Ngô Bảo Châu kính quý có thể làm chủ những bước phát triển của mình sau những thành quả hôm nay.

Lời kết nhỏ

Hai ngày nay, hầu như tôi không rời màn hình Internet và số lần nháy tìm tin tức về GS Ngô Bảo Châu chiếm hết nửa công việc của mình.

Điều mừng hơn là thấy Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ gửi điện kịp thời chúc mừng giáo sư.

Nhưng một điều hơi “lăn tăn” là trong tấm ảnh chụp tức thì bảng thông báo thành tích đầu tiên nêu tên bốn nhà khoa học lúc 13 giờ ngày 19/8/2010 thì ở dòng có tên Ngô Bảo Châu, họ ghi sau đó là tên nước Pháp chứ không phải chữ “VietNam” như tôi tưởng.

Nhưng hôm nay, đọc kỹ điện thư của các vị lãnh đạo cao cấp, thấy như thiêu thiếu, thấy hơi hẫng hụt một điều gì đó và thấy mấy chữ trên bảng thành tích hôm qua ở hội trường ấy, có ý nghĩa lạ thường, nó thay mặt dân tộc ta tri ân nền giáo dục Pháp.

Phải chăng, trong nội dung điện mừng gửi GS Ngô Bảo Châu, ở phần ghi xuất xứ những thành tích, sau khi nêu công lao cha mẹ GS, nỗ lực bản thân của GS ta nên có một lời khẳng định, một lòng biết ơn nền giáo dục Pháp, Mỹ đã góp một phần lớn, rất lớn tạo nên hạnh phúc hôm nay cho dân tộc ta thì hay hơn, vẹn toàn hơn, có hậu hơn, theo đúng truyền thống Á đông đã được đúc kết trong một câu ngạn ngữ Việt “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Hôm qua, Tổng thống Pháp đã làm việc đó. Ông đã gửi điện cảm ơn trường đại học và các nhà khoa học Pháp đã góp phần đáng kể tạo nên thành tích lẫy lừng của GS Ngô Bảo Châu.

Cảm ơn Tổng thống Pháp!


Cảm ơn Giáo sư Ngô Bảo Châu!

Nguyễn Huy Cường

Nguồn: bee.net.vn/channel/1982/201008/Tam-thai-nao-voi-su-kien-Ngo-Bao-Chau-1765179/