Là một giảng viên ĐH công lập, một người “ở trong cuộc”, tôi đã phát biểu nhiều lần trên nhiều cơ quan báo chí là: Học vị TS ở nước ta, ngay đến cả học hàm GS, PGS thì có nhiều cái là “hữu danh vô thực”! Chứng cớ là, số lượng học vị, học hàm của ta vào loại nhiều nhất Đông Nam Á, nhưng lại có ít nhất các bài báo khoa học hoặc công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận, hoặc được đăng tải trên các tạp chí khoa học có tên tuổi ở các nước tiên tiến; và ở nhiều mặt của đất nước ta vẫn ít thấy vai trò của các nhà khoa học!
Trước hết, xin nói về các học vị, học hàm của nhiều quan chức: Nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố, kể từ chức chánh, phó giám đốc các Sở trở lên, có “đặc quyền”(?) là được làm TS, với toàn bộ kinh phí của Nhà nước. Làm TS hoặc được phong học hàm GS, PGS để cho oai, cho tương xứng với chức vụ đang được hưởng! Nhiều trường hợp luận án đã có người viết hộ, đến khi “bảo vệ” thì… “nghiên cứu sinh” chỉ ú ớ đọc một vài đoạn; rồi các thành viên hội đồng xét duyệt nhìn chức vụ của nghiên cứu sinh đã thấy “nể” thế là luận án được bỏ phiếu “ok”. Sự thật thì, các vị ấy có học hành, có nghiên cứu… “khê học” gì đâu. Suốt tháng, suốt năm, hết hội nghị lại đại hội triền miên, rồi liền tù tì các cuộc họp hành nội bộ và đi tham quan “học hỏi kinh nghiệm nước ngoài”(?!); thế rồi bỗng nhiên thấy công bố trên báo chí, hoặc giới thiệu trong các hội nghị, là GS, PGS, là TS! Nhiều cơ quan báo chí mới đây đưa tin vài vị chức sắc cấp tỉnh bị phát hiện bằng TS rởm! (Thật ra, từ nhiều năm trước, báo chí đã đưa loại tin này). Đọc những tin ấy, tôi thấy giật mình và… hãi quá đi mất! Gần đây, tôi có đọc một bài “tụng ca” của một “nhà báo”(?) viết về một quan chức đứng đầu một thành phố nọ, nào là ông ấy giỏi giang, năng động trong cương vị lãnh đạo, nào là đã “hoàn thành xuất sắc luận án TS tại Đại học Harvard (Mỹ) lừng danh”! Tôi… giật mình quá, hãi quá, vì nhiều người biết rất rõ về vị chức sắc kia. Ông ta có học Harvard bao giờ? Họp hành lu bù, thì giờ đâu mà ông ta theo học sau ĐH trong nước? Ở địa phương ấy, người ta xì xèo về ông ta quá nhiều. Địa phương của ông ta thì nổi cộm về các vụ bị tòa án xét xử nhiều dự án chia chác đất đai, còn cái… “luận án” của ông ta thì đích thị được làm hộ trong “nội địa”! Lại có ông Giám đốc một Sở, cũng có học vị “TS giấy”, bây giờ lên chức Phó chủ tịch thành phố, bỗng nhiên thấy báo chí địa phương giới thiệu là PGS-TS, mà chẳng thấy ông ta là giảng viên của một trường đại học nào! Như thế thì bảo không… hãi rất nhiều học vị, học hàm ở xứ ta làm sao được?
Đào tạo cần lấy chất lượng là mục tiêu hàng đầu chứ không phải số lượng
(ảnh có tính chất minh họa).
Còn việc đào tạo nhanh, nhiều, ẩu các TS phục vụ cho các trường ĐH-CĐ thì sao?
Còn nhớ từ sau hoà bình lập lại ở miền Bắc (7/1954) đến cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, những sinh viên (SV) tốt nghiệp ĐH xuất sắc, hoặc giáo viên có năng- lực- thật- sự và có triển vọng trong nghề nghiệp, mới được lãnh đạo các trường lựa chọn, cho đi đào tạo PTS (bây giờ gọi là TS), trừ những đối tượng thuộc diện chính sách ưu tiên thì không căn cứ vào học lực. Dù đào tạo trong nước hay ở nước ngoài, nhiều người trong số họ đã miệt mài, say mê học tập và nghiên cứu khoa học. Còn bây giờ, thời buổi kinh tế thị trường tràn ngập cả trong lĩnh vực “trồng người”, thì đến SV học yếu, cũng tốt nghiệp ĐH-CĐ một cách ngon lành, nhiều SV tốt nghiệp ĐH loại trung bình (chỉ ngang với mức dưới trung bình những năm 70 của thế kỷ 20) cũng dễ dàng trở thành giảng viên ĐH-CĐ! Và rồi, họ được khuyến khích, được nhà trường cấp kinh phí để đào tạo sau ĐH. Vì thế, mà nhiều giáo viên giảng dạy yếu kém, cũng trở thành thạc sĩ (ThS), rồi TS. Nhiều GS, PGS, hoặc TS năng lực hạn chế (đã nói ở trên) hướng dẫn luận văn, luận án, tất yếu đào tạo ra các ThS, TS cũng yếu kém năng lực. Nhiều người được cho đi đào tạo sau ĐH ở nước ngoài, nhưng không phải trường nào ở nước ngoài cũng đào tạo TS có chất lượng cả! Cho nên, bằng TS ở nước ngoài (kể cả đến danh hiệu Viện sĩ), không phải cái nào cũng thực chất. Một số hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ của ta đã than phiền về điều này với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có một sự thực: Một số vị GS, PGS của ta có thực tài, đã hướng dẫn nhiều luận án TS tương đối có chất lượng, nhưng các vị ấy đã có bằng TS đâu? Và, thực tế thì nhiều giáo viên ĐH-CĐ chưa hoặc không có học hàm GS, PGS, hay học vị TS, nhưng chất lượng giảng dạy của họ khá cao, được đông đảo SV kính trọng và tin tưởng. Vì vậy, phải nhìn cho sâu vào thực tế, lấy chất lượng giảng dạy làm cốt lõi (qua ý kiến đánh giá của tập thể SV), thì mới nhận thức được chân giá trị của bằng cấp.
Bằng cấp sau ĐH tràn lan, các trường ĐH-CĐ mở ra vô tội vạ, khiến dư luận xã hội lo ngại về chất lượng học hàm, học vị. Kỳ họp vừa qua Quốc hội đã có nhiều ý kiến đòi giải thể một số trường ĐH-CĐ yếu kém, không đủ tiêu chí thành lập. Bộ GD-ĐT chưa làm được việc này (vì đã “cho” nó ra đời rồi, bây giờ xóa bỏ nó, khó lắm thay!).
Ở đời cái gì quá dễ dãi mà có được, thì đều kém chất lượng, trở nên rẻ rúng! Đừng biến những chức danh khoa học nghiêm chỉnh, cao sang trở thành những cái phổ cập, tầm phào!
ĐÀO NGỌC ĐỆ
Nguồn:baomoi.com/Home/GiaoDuc/suckhoedoisong.vn/Hoang-vi-muc-tieu-pho-cap-tien-si/4818265.epi