Cần nhất bản lĩnh và tầm nhìn

Đây cũng chính là suy nghĩ của nhiều bậc nhân sĩ, trí thức, cựu lãnh đạo. VietNamNet trân trọng giới thiệu lại cùng bạn đọc những trăn trở của nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính – Viễn thông, TS Mai Liêm Trực và GS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương trong cuộc trò chuyện trực tuyến hồi tháng 3. 

“Đất nước không thiếu người tài nhưng từ trước đến nay hình như ta vẫn còn thiếu sót về mặt tổ chức. Đại hội VI đã rất mạnh dạn nói thẳng ra rằng đây là sai lầm của mọi sai lầm, nguồn gốc của mọi sai lầm, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, ông Dương Phú Hiệp nhận xét. Cảm giác của ông  “lâu nay có gì đó vẫn chưa được rõ ràng, về mặt chủ trương để chọn người chưa được tường minh”. 

GS Dương Phú Hiệp: Lãnh đạo cấp cao phải có tư duy ở tầm chiến lược, biết sử dụng nhân tài
GS Dương Phú Hiệp: Lãnh đạo cấp cao phải có tư duy ở tầm chiến lược, biết sử dụng nhân tài

Ông Mai Liêm Trực thẳng thắn: Công tác cán bộ trước hết phải là người biết làm, làm việc mà mình được giao trách nhiệm. Thứ hai, phải tích cực làm, tức là biết làm và có ý thức trách nhiệm làm việc đó.  

“Những người được chọn lựa phải được thử thách qua thực tiễn chứ không phải là bằng cấp. Nên căn cứ theo yêu cầu công việc để chọn cán bộ. Trong thực tiễn ta có nhiều tiêu chuẩn nhưng nhiều khi bố trí cán bộ không đảm bảo được như vậy, từ cấp thấp đến cấp cao vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng, thậm chí người ta còn nói thẳng ra là người đó không xứng đáng với vị trí đó”. 

“Nếu đường lối đổi mới mà lại giao trọng trách cho người bảo thủ thì có thể cũng khó thực hiện được đường lối đó”.

                 GS Dương Phú Hiệp

Từ kinh nghiệm của bản thân, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông khẳng định, khi chọn người để giao trọng trách, phải đánh giá qua kết quả công việc, thực tiễn. “Chứ nếu đánh giá về mặt lí luận, đánh giá chung chung như lập trường tư tưởng vững vàng thì có vẻ không phù hợp thời cuộc”.

Với mong muốn Đại hội sẽ bầu ra được lãnh đạo “mạnh, sạch, có tầm nhìn“, ông Trực cho rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là bản lĩnh và cái tâm kiên của người lãnh đạo. 

Bác Hồ cũng nói cán bộ phải có đức và tài. Tài thì bàn nhiều rồi, còn Đức ở đây trước hết là tinh thần xả thân.

Đáng tiếc là cái tâm xả thân của nhiều cán bộ ta bây giờ dường như có vẻ hơi nguội lạnh. “Tôi tham dự nhiều cuộc họp, từ cấp cao đến các cuộc họp chi bộ, họp cơ quan, thấy hầu như chẳng ai nói gì, những vấn đề khi đưa ra rất ít được thảo luận”, ông Trực cho hay.

Một vài ý kiến đưa ra, trong lòng nhiều người băn khoăn lắm nhưng mà rồi cũng cho qua, thành ra là nhất trí. Dù nhiều người ngồi đấy đều cảm thấy quyết định như thế là chưa ổn. Tức là bản lĩnh và dũng khí còn khuyết nhiều.

Trong khi đó, GS Dương Phú Hiệp nhận định người lãnh đạo cấp cao phải có tư duy ở tầm chiến lược. “Mỗi lời nói, chữ viết của anh phải có sức nặng. Muốn thế anh phải nghiên cứu, học hỏi, gần đời, gần dân và nhất là anh phải biết sử dụng nhân tài”.

Người lãnh đạo ra gánh vác việc nước cũng phải ý thức về trách nhiệm của mình. Ở ta vẫn còn tình trạng một số cán bộ vì quyền lợi mà chạy đua chứ không phải vì trách nhiệm. Cho nên trách nhiệm phải được quy định rõ ràng.

Một ông bác sĩ vô trách nhiệm, một anh lái xe ẩu, một ông kỹ sư xây cầu cẩu thả hay người làm doanh thương vô đạo đức đều chịu xử lý theo pháp luật tùy theo tội nặng nhẹ. Thế nhưng, sai lầm của họ cùng lắm chỉ gây hại cho trăm người. Còn với người đứng đầu ra một đường lối sai, là hại cả chục triệu người. Khi ấy, sẽ xử lý thế nào hay chỉ kiểm điểm trách nhiệm cho có.

Chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng phải nặng. Làm thế để anh vào không thấy vị trí bở mà tranh nhau… Phải thấy rõ trách nhiệm để tránh sai lầm”, ông Hiệp nói. 

TS Mai Liêm Trực: Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do người lãnh đạo dân tộc ấy
TS Mai Liêm Trực: Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do người lãnh đạo dân tộc ấy

Chốt lại, ông Mai Liêm Trực cho rằng phải có những con người, ý chí như trong chặng đường đổi mới 25 năm qua, những người nhận ra và dám đương đầu với những thiếu sót và dám nghe để cởi trói cho dân tộc.  

Do đó, trong giai đoạn hiện nay, “bản lĩnh và tầm nhìn là quan trọng nhất”.  

Những nước như Iraq, Afghanistan, Campuchia thời Polpot… khi lãnh đạo không đủ bản lĩnh và tầm nhìn thì đưa dân tộc vào tai họa. Có những dân tộc, may mắn có lãnh đạo có tầm nhìn, có chí khí như Lý Quang Diệu của Singapore… thì chỉ mất mấy chục năm là đưa đất nước bứt lên.

“Một dân tộc may mắn hay bất hạnh là do người lãnh đạo dân tộc ấy. Một quốc gia muốn đi lên nhanh có 3 yếu tố về lãnh đạo: mạnh, sạch và có tầm nhìn… Nếu thiếu một trong ba yếu tố đó, thì hoặc dân tộc đó phát triển túc tắc hoặc bất hạnh”, ông Trực kết luận.

V. Anh

Nguồn: vietnamnet.vn/chinhtri/201009/Can-nhat-ban-linh-va-tam-nhin-936365/