Giáo sư Đặng Phong và chuyện đời sau một cuốn sách

Để tưởng nhớ và tri ân tới cố giáo sư Đặng Phong – cây đại thụ của nền khoa học nước nhà, đồng thời ra mắt cuốn sách cuối cùng trước khi ông qua đời, Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố, NXB Tri Thức, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và Trung tâm văn hóa Pháp đã tổ chức buổi hội thảo “Nghìn năm, một đường phố” vào tối ngày 1/12 ở Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội.

Buổi Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như nhà báo, nhà sử học Đào Hùng; nhà sử học Dương Trung Quốc; phó giáo sư, trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội Andrew Hardy.

Những hình ảnh của giáo sư Đặng Phong lúc sinh thời được tái hiện tại hội thảo.

Tại hội thảo, nhà sử học Đào Hùng kể lại, cách đây 15 năm, giáo sư Đặng Phong nói rằng sẽ viết một bài cho tạp chí Xưa & Nay về con đường Lê Duẩn (trước đây là đường Nam Bộ) và sự ra đời của hàng phở gà nổi tiếng trên phố Nam Ngư, một địa chỉ đáng nhớ vào thời bao cấp, khi mà thịt bò là hàng quốc cấm. Từ chỗ mê ăn phở, giáo sư Đặng Phong đã đi tìm xem cái gì đưa đến thành công của phở gà Nam Ngư, rồi từ câu chuyện bán phở đã đưa đến mối liên hệ với đường Nam Bộ, và dẫn sang câu chuyện chiến tranh…

“Lần lữa mãi, bài báo đó chưa bao giờ được gửi đến toàn soạn, nhưng có lẽ từ đó đã hình thành phác thảo đầu tiên cho một công trình nghiên cứu sâu rộng hơn. Tôi chưa đọc, nhưng cảm thấy đấy sẽ là nội dung cuốn sách được xuất bản sau khi anh qua đời, mà hôm nay NXB Tri Thức cho ra mắt”, nhà sử học Đào Hùng chia sẻ. 

Trong lời tựa của cuốn sách Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố, giáo sư Đỗ Hoài Nam, chủ tịch Viện khoa học Xã hội Việt Nam viết: “Mới đọc lướt qua, tôi đã cảm nhận được rằng một tác phẩm viết bằng hứng khởi và miệt mài cá nhân quả là có khác. Những say sưa tìm tòi cùng những chi tiết được phát hiện đã truyền dẫn cảm hừng từ người viết sang người đọc. Hàng trăm sự việc xung quanh chỉ một đường phố thôi cũng làm cho lịch sử ngàn năm Thăng Long càng thêm duyên dáng, hấp dẫn và đập vẻ thân thương”.


Bìa cuốn sách Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định: Cuốn sách không dày nhưng rất “nặng” bởi đây là cuốn sách đầu tiên ghi nhận một cách tiếp nhận mới mẻ về lịch sử. Cuốn sách là một tác phẩm mẫu mực, mở ra cảm hứng, sự học hỏi cho rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ.

Lúc sinh thời, giáo sư Đặng Phong có rất nhiều bạn bè quốc tế, nhưng hiếm có người nào hiểu và yêu mến ông như Andrew Hardy. Bởi vậy mà tại hội thảo, vị trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội không nói nhiều về vấn đề học thuật mà chỉ kể lại những kỷ niệm đã trải qua với giáo sư Đặng Phong bằng chính tiếng mẹ đẻ của vị giáo sư khả kính. 

Andrew Hardy đã kể về bữa ăn đầu tiên tại nhà giáo sư Đặng Phong cách đây 20 năm với món ốc xào chuối và canh cua, về “trường đại học trên bàn ăn” hay chuyện ý tưởng về cuốn sách Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một con đường đã ra đời từ một bữa uống “bia cỏ”. Những câu chuyện bình di và lôi cuốn cho thấy giáo sư Đặng Phong là một nhà nghiên cứu rất nghiêm túc, nhưng cũng không thiếu sự hài hước trong công việc của mình.

Tại buổi hội thảo, nhiều góc khuất trong đời thường của cố giáo sư cũng được chia sẻ, đem lại nhiều bất ngờ cho người dự thính. Theo đó, giáo sư Đặng Phong là người có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống, như niềm đam mê các món ăn ngon; sưu tầm, thưởng thức các loại rượu và cả niềm đam mê… phụ nữ. Điều này càng làm cho hình ảnh của vị giáo sư khả kính trở nên gần gũi hơn trong con mắt công chúng.

Giáo sư Đặng Phong sinh năm 1937, tại Hà Tây và qua đời tại nhà riêng ngày 20-8-2010. Ông là tác giả của rất nhiều cuốn sách nghiên cứu có giá trị về lịch sử kinh tế Việt Nam như: Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam, Chế độ ruộng công ở Việt Nam và vấn đề phương thức sản xuất châu Á, 21 năm viện trợ Mỹ ở Việt Nam, Lịch sử kinh tế Việt Nam (2 tập), “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới…. Năm 2010, cuốn “Chuyện Thăng Long – Hà Nội qua một đường phố” của. Giáo sư Đặng Phong đã được Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đưa vào danh mục ấn phẩm đặc biệt và in bằng 2 thứ tiếng – tiếng Việt và tiếng Anh.

Hồng Quân

Nguồn: www.baomoi.com/Home/SachBaoVanTho/www.baodatviet.vn/Giao-su-Dang-Phong-va-chuyen-doi-sau-mot-cuon-sach/5305344.epi