Ông còn nhận lời làm Giám đốc danh dự Nhà hát tuồng Ðào Tấn (Bình Ðịnh) và kết thân với nhiều nghệ sĩ tuồng như võ sĩ Thừa, Tiến Thọ, Ðình Bôi, Ðàm Liên, Hòa Bình… Ông cũng là bạn thân thiết với các nhà nghiên cứu tuồng nổi tiếng: Hoàng Châu Ký, Mịch Quang.
GS, VS Hoàng Trinh cho biết, lúc còn là cậu học trò nhỏ ở Nghệ Tĩnh ông đã mua vé thường xuyên (Permanent) để xem tuồng, nên nhiễm từ đó… Khi ông được mời sang nước ngoài như Hung-ga-ri, Pháp, Mỹ… thuyết giảng về văn học Việt Nam, ông đều lồng nghệ thuật tuồng vào nội dung bài giảng. Chính ông là người phát hiện vở tuồng cổ Nam Nữ Ðồ Vương là bi kịch anh hùng và cũng là người gọi hình tượng tuồng cổ là những 'Bức tượng di động' về mặt mỹ thuật tạo hình. Trong những năm công tác bên cạnh GS Nguyễn Khánh Toàn (chủ nhiệm) và GS Vũ Khiêu (phó chủ nhiệm) ở Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, GS Hoàng Trinh thường mời tôi và một số nghệ sĩ tuồng tới giới thiệu về nghệ thuật tuồng cho các đoàn quốc tế. Ông vừa là người tổ chức, vừa là người xem rất say mê và có trách nhiệm. Nhờ vậy mà ông càng hiểu, càng yêu nghệ thuật tuồng. Cũng nhờ xem tuồng nhiều, hiểu được đặc trưng tuồng mà GS, VS Hoàng Trinh có nhiều nhận xét rất trúng và có nhiều định nghĩa rất hay, góp phần bảo tồn và phát huy, phát triển nghệ thuật tuồng trong nhiều thập kỷ qua. Tại Hội sân khấu Liên Xô (1981) ông đã thay mặt chúng tôi trình bày một cách thuyết phục về sự giống và khác nhau giữa tuồng Việt Nam và Kinh kịch Trung Quốc.
GS, VS Hoàng Trinh là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng, ông là tác giả của bộ sách về văn học phương tây, tham gia làm bộ từ điển Văn học Việt Nam và hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị. Ông đã từng làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, sau các học giả lớn như Ðặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông. Trong những năm công tác ở Viện Văn học Việt Nam, GS, VS Hoàng Trinh vừa chỉ đạo thành công nhiều công trình nghiên cứu văn học, vừa đào tạo được nhiều cán bộ trẻ mà sau này đều trở thành những cán bộ nghiên cứu và lãnh đạo của Viện Văn học Việt Nam và Tạp chí Văn học Việt Nam. Là người say mê làm học thuật, đến khi được về hưu, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động văn hóa – nghệ thuật, bảo tồn và phát huy sân khấu dân tộc. Ngoài việc viết bài, góp ý kiến cho những công trình nghiên cứu, ông còn tham gia các hội thảo khoa học tổ chức ở Hà Nội và ở các địa phương xa. GS Hoàng Trinh thường nói và viết ngắn nhưng ý rất sâu, tính khái quát cao.
Cho dù đã là một Giáo sư, Viện sĩ nổi tiếng, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn ham học, ham làm, ham đóng góp cho sự nghiệp văn học, cũng như văn hóa dân tộc nước nhà. Ông tâm sự với tôi: 'Lần đầu được mời sang Mỹ giảng về Văn học Việt Nam, hằng ngày mình phải tự học tiếng Anh từ 4 giờ sáng cho đến 8 giờ, cứ như vậy suốt sáu tháng liền mới đủ từ để giảng'.
GS, VS Hoàng Trinh là một tấm gương khiêm tốn giản dị, sống chan hòa. Tết Tân Mão này vì quá bận công việc, nên qua rằm tôi mới tới thăm GS Hoàng Trinh. Thấy tôi, bà Trinh (vợ ông) vui mừng nói: 'Tôi và ông Trinh cứ nhắc mãi'. Bà vào buồng trong dìu ông ra. Ông bước đi khó nhọc, tai đã nặng nhưng miệng vẫn tươi cười. Ông hỏi tôi về công việc và rất vui khi nghe tôi nói về những việc đang làm.
Chia tay ông, tôi mang theo hình ảnh vị GS, VS đã hơn 90 tuổi đời, 60 tuổi Ðảng và là một trong những học giả đầu tiên được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật đợt một năm 1996. Tôi mong sao ông vẫn khỏe, vẫn sống với đời, nhưng ngờ đâu tháng 3 này, ông đã nhẹ nhàng ra đi vào một chiều gió lạnh (19-3-2011). Như vậy là đầu thập niên 2011 này đội ngũ trí thức Việt Nam lại mất thêm một nhà nghiên cứu tài năng, tâm huyết.
GS Hoàng Cương