Và đơn sơ và giản dị như vậy, ông bắt đầu câu chuyện với tôi, chen giữa những cuộc điện thoại tham vấn về những vấn đề của tư pháp và chất độc da cam… Đối với con người đã ở vào tuổi cửu thập này thì cuộc sống chưa bao giờ ngừng vận động. Và những dự định của ông vẫn còn ngổn ngang phía trước.
Ông là một trong 10 người có sáng kiến thành lập Hội nạn nhân chất độc da cam. Đối với ông, đó là một cuộc chiến đầy cam go và lâu dài, mà mọi sự mới chỉ bắt đầu. Ông tâm sự, sau năm 1995, khi kinh tế đất nước đã đi vào giai đoạn ổn định, người ta dần nguôi ngoai đi những ám ảnh về nỗi đau của chiến tranh.
Nhưng với ông, dù làm việc trong một lĩnh vực không trực tiếp liên quan đến những nạn nhân chất độc da cam, thì nỗi ám ảnh trong ông vẫn là hình ảnh những đứa bé sinh ra không được lành lặn. Nỗi đau, sự mất mát, không chỉ của một thế hệ mà truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Giáo sư nhận ra, trong guồng xoáy phát triển của xã hội thì những người thiệt thòi và ít được quan tâm nhất đó là những nạn nhân chất độc da cam. Họ là những người khổ nhất trong những người khổ, thiệt thòi nhất trong những người thiệt thòi. Đã 50 năm qua đi, nhưng những mất mát vẫn còn đó…
Ban Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
và ông Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ quốc tế Ramesh Chandra.
Không phải đến năm 2004 mà ngay từ năm 2000, khi Hội Luật gia Dân chủ quốc tế tại cuộc họp Ban thường vụ mà lúc đó ông Lưu Văn Đạt là thành viên đã ra quyết nghị lên án Chính phủ Mỹ rải chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Một năm sau, tại Đại hội Quốc tế tổ chức ở La Habana, Việt Nam mới chính thức lên tiếng, và Giáo sư Lưu Văn Đạt đã dẫn đầu một phái đoàn sang tham dự hội nghị này. Sau báo cáo của Giáo sư Lê Cao Đài, cả thế giới ngỡ ngàng trước hậu quả nặng nề của chất độc da cam mà một đất nước bé nhỏ như Việt Nam đã phải gánh chịu.
Và cuộc chiến với công lý bắt đầu, những con người lặng lẽ như giáo sư đã cố gắng làm hết trách nhiệm của mình, trách nhiệm của một người con dân tộc, luôn đứng về phía nhân dân. Ông là một trong 4 nhân vật trong Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý này.
Giáo sư Lưu Văn Đạt kể, có những lúc, cuộc chiến đấu tưởng như phải dừng lại. Nhưng những ám ảnh về nỗi đau da cam đã khiến ông và những người cộng sự không cho phép mình dừng. 10 năm qua, cuộc chiến đã có những kết quả bước đầu, dù chưa phải tất cả các nạn nhân đã được đền bù, nhưng đời sống của họ cũng đã được cải thiện hơn trước.
Và thành công lớn nhất của ông là đã góp phần đưa vấn đề hậu quả của chiến tranh ra trước dư luận quốc tế, trước tòa án lương tâm. Từ lợi thế của một luật sư, ông đã kết nối được với nhiều bạn bè luật sư trên thế giới, những người đứng về phía nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu tranh vì nỗi đau da cam.
Và chính họ là cầu nối để đưa những vấn đề của một đất nước Việt Nam nhỏ bé ra trường quốc tế. Đây là một kênh quan trọng nâng cao hiểu biết của nhân dân thế giới, tác động mạnh mẽ đến dư luận nhân dân Mỹ, và đến những người không hiểu thực chất của cuộc chiến tranh Việt Nam.
50 năm, hẳn người ta vẫn sẽ còn nói nhiều về những mất mát và đau thương. Bởi ký ức buồn đó vẫn đang hiện diện khắp nơi trên đất nước này. Ông đã và đang đi đến cùng làm rõ vấn đề tội ác mà Mỹ đã gây ra cho hàng triệu đồng bào. "Vì nỗi đau này quá lớn, hàng triệu đồng bào đang quằn quại đau đớn vì bệnh tật hiểm nghèo, trong khi kẻ gây ra tội ác lại cố tình lẩn tránh, bằng mọi cách che đậy tội ác. Có làm bao nhiêu, có đền bù thế nào cũng không thấm vào đâu so với những mất mát mà người dân chúng ta đã phải gánh chịu".
Nhiệt huyết đó, tâm thế đó, ông luôn mang nặng trong lòng. "Có thể thế hệ chúng tôi chưa trông thấy kết quả của vụ kiện, nhưng chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng, và tôi tin, công lý sẽ chiến thắng". Ông còn nhớ, năm 2005, tại một Hội nghị quốc tế ở Paris ông đã chuẩn bị một bài phát biểu dài, nhưng ngay lúc ông chuẩn bị lên bục phát biểu thì nhận được tin Tòa sơ thẩm Mỹ bác đơn kiện của phía Việt Nam.
Tình thế thay đổi quá nhanh nên ông đã kịp thời thay đổi lại bài diễn văn đã chuẩn bị trước. Nhưng ông vẫn hùng hồn khẳng định: "Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nếu thế hệ này chưa làm xong thì thế hệ sau sẽ tiếp nối". Bài phát biểu ngắn trong vòng 15 phút nhưng đã được bạn bè quốc tế hoan nghênh, và được đưa vào nghị quyết của hội nghị.
2. Ở tuổi 93, Giáo sư Lưu Văn Đạt vẫn minh mẫn và tỉnh táo, như tuổi già và sự khốc liệt của thời gian chưa từng chạm đến ông. Hàng ngày, trên con phố yên tĩnh Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, người ta vẫn thường thấy một cụ già đi đi về về, lúc đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lúc ở Hội nạn nhân chất độc da cam.
Đó là những công việc quan trọng nhất còn lại trong cuộc đời của ông. Và Giáo sư Lưu Văn Đạt đang chạy đua cùng thời gian, một cuộc chạy đua mà ông chưa bao giờ thấy mệt mỏi vì núi công việc chất đầy.
Giáo sư Lưu Văn Đạt sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình. Những ký ức về một miền quê nghèo khó khiến chàng trai này nuôi ý chí học thành tài. Bốn tuổi, ông đã theo bố là hiệu trưởng một trường cấp 2 ở Vĩnh Yên lên Hà Nội. Năm 1933, ông trở thành học sinh xuất sắc của trường Bưởi. Thay vì giấc mơ làm quan như nhiều sinh viên trẻ hồi đó khi chọn vào Luật, giáo sư Lưu Văn Đạt chỉ có một ước mơ giản dị, trở thành luật sư.
Cách mạng thành công, ông là một trong 10 luật sư đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một trong những lớp trí thức đầu tiên tham gia xây dựng đất nước thời kỳ đầu. Và từ đó đến nay, gần hết cuộc đời làm việc và cống hiến, Giáo sư Lưu Văn Đạt chưa một ngày ngừng nghỉ.
Nhưng ai cũng biết, Giáo sư Lưu Văn Đạt là một con người quá nổi tiếng trong ngành thương mại. Ông là người chủ trì soạn thảo ra Luật Đầu tư nước ngoài, từng làm chuyên viên và cố vấn cho 8 đời bộ trưởng. Cần mẫn làm việc, mà không màng đến danh vọng, quyền cao chức trọng, ông coi sự cống hiến của mình, những công việc mình làm mới là mục đích sống của cuộc đời.
Ông từng giữ chức Giám đốc Nha Thương vụ, kiêm Cục trưởng Cục Ngoại thương đầu tiên của Bộ Kinh tế Quốc dân làm việc dưới thời Chính phủ Hồ Chí Minh. Đất nước thống nhất, ông chuyển sang nghiên cứu, tập trung vào những vấn đề chiến lược, chính sách, cơ chế quản lý kinh doanh ngoại thương và kinh tế đối ngoại. Với niềm đam mê hoạt động khoa học, ông đã có hơn 100 công trình khoa học có giá trị được công bố tại Việt Nam.
Và đầu thế kỷ XXI, ông bắt tay vào nghiên cứu về dân chủ pháp luật ở Việt Nam. Đã bốn nhiệm kỳ, ông giữ trọng trách Chủ nhiệm Hội đồng dân chủ và pháp luật UBMTTQ Việt Nam. Những công việc làm tự nguyện, thiện tâm, không lương bổng, không chức tước, ít xe đón đưa. Nhưng ông sẽ làm việc cho đến hơi thở cuối cùng.
Giáo sư Lưu Văn Đạt trầm ngâm, dường như trong ông vẫn còn quá nhiều điều trăn trở. Hồi ức của một con người từng đứng trên danh vọng, coi danh vọng là phù du như ông, vẫn còn đó nỗi ưu thời mẫn thế. 50 năm, hơn nửa thế kỷ đã qua, nhưng những nỗi đau vẫn còn đó. Tôi thấy nỗi buồn thoáng qua trên gương mặt của người trí thức già.
Cả cuộc đời ông là một cuộc đấu tranh không mỏi mệt cho công lý, cho lẽ phải, dù trong cuộc chiến đó, ông đã nếm trải không ít những buồn vui. Nhưng có lẽ, với những con người như ông, thì nỗi buồn, niềm vui, đâu phải cho riêng mình, mà gắn liền với những vấn đề của thời cuộc, với nhân dân.
Điều băn khoăn lớn nhất trong ông là cơ chế chính sách đối với những nạn nhân da cam chưa được đầy đủ, và dư luận quốc tế dù rất quan tâm, nhưng thực tế chưa làm được nhiều điều cho họ. Vẫn là những mất mát, đau thương, mà nếu không có những con người làm việc, cống hiến hết mình như Giáo sư Lưu Văn Đạt thì không thể góp phần xoa dịu.
Ở tuổi 93, ông vẫn qua bên kia bán cầu để nói về nỗi đau da cam, giúp nhân dân thế giới hiểu được những mất mát mà người dân của ông đang phải gánh chịu… Bền bỉ và kiên trì, dù "có thể làm việc đến hơi thở cuối cùng cho cuộc đấu tranh này, dù phải từ bàn làm việc đi ra… nghĩa trang, thì tôi vẫn sẽ chiến đấu đến cùng"… Tâm huyết đó của ông khiến nhiều người ứa nước mắt cảm động…
Khánh Linh