Cùng GS Văn Tạo “phủi bụi thời gian”

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Để kỷ niệm 15 năm ngày GS Văn Tạo chính thức công bố luận điểm của mình và mừng sinh nhật thứ 86 của ông, sáng ngày 6/9/2011, buổi Tọa đàm GS Văn Tạo và vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” đã được diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tọa đàm đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này.

Tuy còn một vài ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội”, song nhìn chung các nhà khoa học đều đề cao những cống hiến, những công trình mang tính khoa học và thực tiễn của GS Văn Tạo. GS.TS, NGƯT Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học – ĐHQG Hà Nội đã nói: “Giáo sư Văn Tạo hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp của ông, vừa với tư cách cá nhân nhà khoa học đầu đàn, vừa với tư cách một vị “nhạc trưởng” dẫn dắt, tổ chức và phát triển ngành học liên tục trong nhiều thập kỷ”.

Dưới đây là một số ý kiến xung quanh vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội”:

GS Văn Tạo:

Tôi vui mừng và cảm động quá, tôi sợ rằng mình không đủ bình tĩnh để nói hết ý sao cho ngắn gọn. Tôi nghĩ, hôm này là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mình giống như GS Phong Lê đã nói “Anh là người có hậu”, bởi vì 71 tuổi tôi đưa ra luận điểm này nhưng đến năm 86 tuổi tôi lại có dịp sơ kết công trình của mình. Như ta đã biết, con người sinh ra trong đời cần có 3 điều: Lập danh; Lập nghiệp và Lập ngôn. Theo tôi, Lập danh đã khó, sau đó mới đến Lập nghiệp, nhưng cái lớn nhất trong đời lại là Lập ngôn vì nó là quá trình phấn đấu để câu nói của mình có nội dung đạt đến chân lý khách quan nhất.

 

 

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc:

Vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” của Giáo sư Văn Tạo có cơ sở lý luận vững chắc từ sứ mệnh của sử học, lại được kiểm nghiệm qua thực tiễn 10 năm đổi mới đất nước. Vì vậy, nó có vị trí thực sự quan trọng trong đời sống Sử học Việt Nam những năm cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.

 

 

 

GS Vũ Dương Ninh, nguyên Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH&VN Hà Nội:

Vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” của GS Văn Tạo không thu hẹp trong giới sử học mà có ý nghĩa trong phạm vị xã hội, không chỉ là công việc của hôm nay mà còn đặt ra đường hướng cho ngày mai.

 

 

 

GS.TS.NGND Phan Hữu Dật, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội:

“Công minh lịch sử và công bằng xã hội” là thiên chức của nhà Sử học. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, nhà Sử học nào mà trung thực, ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước dân tộc và lịch sử cũng đều có thể vươn tới chân lý đó, kể cả hy sinh bản thân và gia đình mình. Tôi tin rằng “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” trước hết là từ khoa học lịch sử mà đề ra, nhưng phạm vi tác động của nó rộng lớn vượt ra ngoài phạm vi của khoa học lịch sử, là một vấn đề có tính thời đại, là một bài toán không dễ tìm ẩn số.

 

 

 

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam:

“Công minh lịch sử và công bằng xã hội” là phương châm GS Văn Tạo nêu từ năm 1996 đến này là chẵn 15 năm. Với phương châm đó anh đã thực hiện được nhiều công việc có ích cho khoa nghiên cứu lịch sử, để trả về cho sự thật những giá trị khách quan và đích thực của nó.

 

 

GS.TS Phan Đăng Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian:

Với vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” GS Văn Tạo đã đánh giá đúng sự nghiệp của nhà Mạc, coi nhà Mạc cũng như nhà Hồ, nhà Tây Sơn đều là đại diện cho lực lượng tiến bộ trong xã hội đương thời.

 

 

 

Nhạc sỹ Phạm Tuyên:

Nhiều nhà sử học cảm thấy bụi thời gian đã che phủ không ít sự kiện và nhân vật góp phần làm nên lịch sử nước nhà, họ cảm thấy đã đến lúc phải trả lại lịch sử như nó vốn xảy ra. Điều đáng quý ở GS Văn Tạo là ông không chỉ dừng ở việc nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan những dòng họ xưa kia bị quên lãng hoặc bị đánh giá không đúng mà ông còn mạnh dạn, thẳng thắn đề cập đến những sự kiên, nhân vật lịch sử từ đầu thế kỷ 20 tới nay.

 

 

 

GS.TS Trần Ngọc Hiên, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh):

GS Văn Tạo nghiên cứu lịch sử suốt 50 năm, nhưng ông không phải là người chỉ ghi chép từng sự việc trên bề mặt của nó, mà là căn cứ sự kiểm nghiệm của thực tiễn để đánh giá các sự kiện. Có lẽ chính những phẩm chất ấy mà GS Văn Tạo đã nêu ra vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” được dư luận đánh giá cao.

 

 

 

GS.TS Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức:

Vấn đề “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” mà GS Văn Tạo đề xuất từ năm 1996 đến nay đã được 15 năm. Trong 15 năm ấy, ông có công lao to lớn trong việc dũng cảm đặt lại vấn đề, minh oan hoặc trả lại giá trị đích thực cho dòng học Khúc, triều đình Mạc, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Trịnh Cương,…

 

 

 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam chuyển lời ông Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tưởng nước CHXHCNVN thay cho lời kết:

Hoan nghênh việc chúng ta đánh giá và tôn vinh giá trị của các nhà khoa học trong đó có GS Văn Tạo. Ông đã 86 tuổi rồi nhưng vẫn cống hiến, vẫn làm việc và đóng góp vào sự nghiệp rất quan trọng đó là “Công minh lịch sử và công bằng xã hội”. Với đức tính thẳng thắn, cương trực, GS Văn Tạo đã làm được rất nhiều điều. “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” không chỉ riêng ông làm mà là công việc của sử học, của các nhà sử học từ trước đến nay đã thực hiện. Tuy nhiên, thành công của GS Văn Tạo chính là đưa ra vấn đề và kiên trì thực hiện nó. “Công minh lịch sử” có một chiều dài lịch sử. Ngược về lịch sử xa xưa rất cần nhưng những sự kiện lịch sử hiện đại, đặc biệt là sau cách mạng Tháng 8 trở lại đây càng cần được quan tâm. Nhiều việc cần phải làm sáng tỏ và nghiên cứu thêm. Câu chuyện “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” không chỉ của riêng ngành sử học, các nhà sử học mà còn là sự nghiệp chung của nhiều ngành khoa học và của các nhà lãnh đạo nữa.

Trình Sỹ Anh Dũng