Nhóm LX51 – nhìn lại một chặng đường nghiên cứu

Buổi họp chuyên môn ngày 24-10-2011 vừa qua do PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Chuyên môn của Trung tâm chủ trì. Tham dự có các nghiên cứu viên nhóm LX51 và các nhóm chuyên đề khác.

Khởi động từ tháng 4- 2011 đến nay, qua nhiều cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, được sự ủng hộ của các nhà khoa học và gia đình họ, Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm nhiều tư liệu hiện vật quý và ghi lại nhiều câu chuyện có ý nghĩa về GS Ngô Huy Quỳnh, GS Phạm Đồng Điện, Thiếu tướng Phạm Như Vưu, PGS.Thiếu tướng Lê Văn Chiểu, GS Trần Linh Sơn, GS Lê Duy Thước; các ông Hoàng Bình, Tăng Văn Bằng, Nguyễn Đức Thừa… Đây là chuyên đề nghiên cứu có ý nghĩa lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng về chủ trương đào tạo cán bộ khoa học kĩ thuật ngay khi Kháng chiến chống Pháp chưa kết thúc.

 Một buổi họp chuyên môn bổ ích

Định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tới, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, hiện nay Nhóm nghiên cứu trẻ của Trung tâm do nhiều hạn chế về trải nghiệm lịch sử nên các vấn đề đặt ra chưa được phát triển đúng với tầm mức của nó. Vì vậy, ông đưa ra một số quan điểm nghiên cứu: tái hiện bối cảnh lịch sử thông qua những con người, cuộc đời cụ thể là các nhà khoa học, từ đó mà có những “lát cắt ngang” xoay quanh các mối quan hệ của họ để tìm hiểu nội tâm, suy nghĩ, quan điểm… của các nhà khoa học; hành động, ứng xử xã hội của họ, các câu chuyện vượt qua những khó khăn, thử thách, những quan sát, những tâm huyết, bài học mà họ rút ra…

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Nhà khoa học là cốt lõi của lát cắt lịch sử”

Nghiên cứu “Lát cắt dọc”

Với “lát cắt dọc” là những sự kiện trong cuộc đời mà họ chính là nhân chứng trong từng giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, bối cảnh lịch sử khoa học nói riêng và xã hội nói chung cũng sẽ được tái hiện. Và đương nhiên, đối tượng nghiên cứu chính là tiểu sử cuộc đời nhà khoa học cũng càng thêm sáng tỏ.

Các cộng tác viên Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Thị Trâm cũng đưa ra những câu hỏi mở và định hướng cho nhóm để tiếp tục nghiên cứu.

Nhà báo Nguyễn Thị Trâm: “Làm thế nào tìm thấy điểm chung

của các nhà khoa học trong lát cắt lịch sử?”

Đại tá Trần Ngọc Ánh: “Nghiên cứu nhà khoa học và lan tỏa đến các người khác”

 Quá trình nghiên cứu vừa qua của Nhóm LX51 được nhìn nhận lại và từ những bài học kinh nghiệm đang mở ra cho chúng tôi hướng đi mới nhiều triển vọng. 
 

Nguyễn Thị Trâm-Trần Bích Hạnh