Sắc lệnh 65/SL – Tiền đề của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

 

Bac_ho_2
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đông phương Bác cổ Học viện năm 1946
PV: Ngày 23 tháng 11 năm nay kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Nhân dịp này, PGS.TS có thể cho bạn đọc được biết nội dung cơ bản của Sắc lệnh?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà dành được độc lập, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” – Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đang gặp vô vàn khó khăn về giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, đất nước đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Sắc lệnh số 65/SL có các nội dung cơ bản như sau:
Một là, khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam” (khái niệm “cổ tích” trong Sắc lệnh ngày nay được gọi là di sản văn hóa, gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể);

Hai là, Đông Phương Bác cổ Học Viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp Quốc Viễn Đông Bác cổ Học viện bị bãi bỏ;

Ba là, giữ nguyên các luật lệ về bảo tồn cổ tích đã có trước đây;

Bốn là, “cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn”;

Năm là, “Chính phủ công nhận nguyên tắc những khoản trợ cấp hàng năm của toàn quốc, của mỗi kỳ hay mỗi tỉnh cho Đông Phương Bác cổ Học viện. Khi dự thảo ngân sách cho toàn quốc, cho từng kỳ hay từng tỉnh; ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Ủy viên tài chính mỗi kỳ, mỗi tỉnh phải dự tính khoản trợ cấp cho Đông Phương Bác cổ Học viện”.

PV: Có phải với ý nghĩa của Sắc lệnh số 65/SL như đã nêu, mà hiện nay ngày 23 tháng 11 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, xin PGS.TS cho biết nội dung cơ bản của Quyết định?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Đúng như vậy. Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích, ra đời đến nay đã 65 năm; nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, cho đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn, soi sáng cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước. Đó là quan điểm về vai trò quan trọng của di sản văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, về tính kế thừa trong phát triển văn hóa, về trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và mỗi công dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa…

Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới; ngày 24 tháng 2 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Quyết định của Thủ tuớng Chính phủ xác định 5 yêu cầu của Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là:

– Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân;
– Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;
– Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng;
– Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng.

Quyết định cũng nêu rõ: các bộ, ban, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức chỉ đạo hoạt động nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, bổ sung kinh phí trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao hàng năm và huy động các nguồn lực hỗ trợ khác để thực hiện các hoạt động này.

Apec
 

 

Chương trình nghệ thuật chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ II
tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: TL

 

PV: Từ khi có Quyết định số 36/2005/QĐ – TTg đến nay, hàng năm vào dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức các hoạt động như thế nào?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Trước hết phải khẳng định rằng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là niềm vui và tự hào to lớn đối với các tổ chức và toàn thể hội viên của Hội DSVHVN, giúp cho các tổ chức và hội viên ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm của mình để góp phần cùng với Nhà nước và toàn xã hội làm tốt hơn nữa sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa không phải chỉ đợi đến dịp kỷ niệm mới làm, mà phải trở thành ý thức thường xuyên bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hàng ngày. Tuy nhiên, hàng năm vào dịp này là đỉnh cao để mỗi tổ chức, cá nhân của Hội tăng thêm bầu nhiệt huyết, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm với di sản văn hóa dân tộc, đánh giá lại những việc mình đã làm và có chương trình hành động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Từ năm 2005, hàng năm đến dịp 23 tháng 11, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đều hướng dẫn các tổ chức của mình trong cả nước có những việc làm kỷ niệm thiết thực. Hội đã 5 lần tham gia Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức các chương trình “Ngày Hội Di sản Văn hóa Việt Nam” do Bộ VHTT, Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức. Nhiều hội địa phương, các liên chi hội, chi hội, câu lạc bộ… tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình đã có các hình thức tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Vào ngày 23 tháng 11 năm nay, Hội tham gia Chương trình lớn với Chủ đề “Dấu ấn Thăng Long – Hà Nội và Tuổi trẻ với Di sản Văn hóa Việt Nam” do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam. Văn phòng Hội DSVHVN cùng nhiều đơn vị khác tham gia Ban Tổ chức chương trình. Trong khuôn khổ chương trình nói trên, Hội DSVHVN phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Kinh Đô tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đêm di sản” tại Sân khấu Âu Cơ, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vào tối 23-11 nhằm tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể và trao tài trợ bảo tồn di sản văn hóa cho Khu Di tích Pác Bó (Cao Bằng).

PV: Hội DSVHVN được thành lập vào năm 2004 và đã tổ chức 2 kỳ đại hội, Đại hội lần thứ II tổ chức vào tháng 12 năm 2009. Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam năm nay, xin PGS.TS cho biết một số kết quả chính của Hội trong hơn 6 năm qua và phương hướng chính trong thời gian tới?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn xã hội. Hội DSVHVN là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa và những người tâm huyết với di sản văn hóa ra đời nhằm góp phần tích cực với Nhà nước và xã hội thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Tuy tuổi đời còn non trẻ, có những khó khăn của một tổ chức hoạt động theo nguyên tắc “tự nguyện, tự quản, tự trang trải…”, nhưng với sự phấn đấu của toàn Hội và sự giúp đỡ, ủng hộ, cộng tác của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân, Hội đã đạt được một số kết quả chính bước đầu: tổ chức Hội từng bước được mở rộng, củng cố và phát triển, với gần 100 tổ chức trực thuộc và hơn 4000 hội viên trong cả nước; có 6 doanh nghiệp và 3 đơn vị sự nghiệp, nhiều tổ chức Hội bước đầu hoạt động có hiệu quả, rút ra được kinh nghiệm tốt; thành lập, duy trì và phát triển Tạp chí Thế giới Di sản và Trang Thông tin điện của Hội với nội dung và hình thức từng bước được cải tiến, nâng cao, xuất bản đều đặn hàng tháng đến nay được 50 số, phát hành trong cả nước, đã và đang phấn đấu làm tròn nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Hội; phối hợp với một số địa phương, cơ quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về các vấn đề di sản văn hóa; tham gia tích cực vào các sự kiện văn hóa của đất nước như Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và các sự kiện quan trọng khác… Các kết quả trên mới là bước đầu, còn khiêm tốn, đòi hỏi Hội phải cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Phương hướng, nhiệm vụ của Hội, được Đại hội đại biểu Hội DSVHVN lần thứ II, nhiệm kỳ 2009 – 2014 thông qua là: “phát huy những ưu điểm, nghiêm túc khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong nhiệm kỳ 2009 – 2014, tăng cường củng cố tổ chức Hội; đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức cơ sở Hội và hội viên đi đôi với việc từng bước nâng cao chất lượng, phát huy hơn nữa vai trò của Hội trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, mở rộng các hình thức hoạt động, tham gia tích cực vào một số dự án lớn về di sản văn hóa; tích cực xây dựng và phát triển kinh phí cho Hội để có điều kiện tổ chức các hoạt động”.

PV: Xin cám ơn PGS.TS về cuộc trao đổi này.
 
Quỳnh Hương (thực hiện)
http://hoidisan.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=269:sac-lenh-65sl-tien-de-cua-ngay-di-san-van-hoa-viet-nam&catid=34:tin-di-san&Itemid=99