Trong số 12 nhà khoa học vừa nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – công nghệ (18/2/2012) có giáo sư Hà Minh Đức, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học, Chủ nhiệm Khoa báo chí trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho một cụm công trình nghiên cứu về sự nghiệp văn học, báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về nhóm Tự lực văn đoàn; và chuyên luận về nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Việc đề nghị xét thưởng được thực hiện từ năm 2010. Từ đó đến ngày nhận giải, ông cứ đều đều hàng năm cho ra vài đầu sách: Huy Cận – ngọn lửa thiêng không tắt (NXB Giáo dục 2010); Chế Lan Viên – người trồng hoa trên đá (NXB Văn học 2010); Sự nghiệp văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB KHXH 2010); Tô Hoài sức sáng tạo của một đời văn (NXB Giáo dục 2010)l; Các Mác, Ph.Ăng ghen, V.Lenin với báo chí (NXB Chính trị Quốc gia 2010); Nguyễn Đình Thi – chim phượng bay từ núi (NXB Đại học 2011); Tế Hanh – mãi mãi hoa niên (NXB Văn học 2011); Chiều miên man gió (thơ – NXB Văn học 2011).
GS Hà Minh Đức tại một buổi gặp mặt các thế hệ sinh viên Văn khoa |
Ngày 10/1/2012, ông gọi tôi đến, tặng cuốn sách mới nhất của mình: Nhận thức và đối thoại văn hóa – văn nghệ (NXB Hội nhà văn 2011). Trong lời nói đầu (tháng 2/2011) ông viết: Nhận thức và đối thoại văn hóa, văn nghệ là công trình nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn văn hóa, văn nghệ. Tác phẩm được viết ra những năm gần đây, trong thời kỳ đổi mới và cố gắng áp sát nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn văn hóa văn nghệ của thời cuộc.
Trao sách, ông rủ rỉ nói với tôi về những suy nghĩ của ông khi cho ra cuốn sách này, căn dặn tôi về những điều cần lưu ý khi đọc. Tôi ngồi hầu chuyện ông, mà cứ tưởng như thủa nào lần đầu tiên được nghe bài giảng của ông trên ghế nhà trường (1969), cả thầy và trò đều còn rất trẻ.
Cái thời ấy, đất nước đang có chiến tranh, tình hình chính trị – xã hội khiến nhiều vấn đề về học thuật, về văn học sử… phải để đấy, tập trung vào việc rèn cho đội ngũ sinh viên biết dùng ngòi bút của mình làm vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh tư tưởng và cả ở chiến trường.
Những người sinh viên Văn khoa được nghe những bài giảng của ông về thơ chống Mỹ cứu nước, truyện và ký chống Mỹ cứu nước, văn thơ Hồ Chí Minh, Sóng Hồng, Tố Hữu… ra trường đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Nhiều người nằm lại chiến trường, mà được gắn với thành tựu của nền văn học – văn nghệ Việt Nam trong chiến đấu.
Cùng với thầy Phan Cự Đệ, thầy Hà Minh Đức lúc ấy chuyên nghiên cứu và giảng dạy về văn học Việt Nam hiện đại. Đã là sinh viên khoa Văn, thời ấy chúng tôi đều biết về những “sự cố” được nêu hay không được nêu trong văn học sử. Chúng tôi đều mong được nghe những kiến giải xác đáng, có lý có tình về một hiện tượng, một trào lưu văn học, về một tác giả nào đấy. Và chúng tôi trông cậy ở các thầy.
Điều đáng quý là đến nay, sau hơn 40 năm, lần lượt được đọc, được nghe những xuất bản phẩm của giáo sư Hà Minh Đức, chúng tôi thấy giáo sư vẫn nhất quán với những đánh giá, nghiên cứu của mình. Bây giờ chỉ là làm rộng ra, nói sâu thêm. Đó là điều làm chúng tôi càng trân trọng người thầy của mình.
Không được theo đuổi nghiệp nghiên cứu, rẽ sang làm báo, tôi còn học được một điều ở ông, đấy là ghi chép và lưu trữ tài liệu. Những bài viết của giáo sư Hà Minh Đức về chân dung những gương mặt lớn trong ngành khoa học xã hội Việt Nam, trong làng văn nghệ sĩ có được giá trị về mặt thời gian và học thuật, chính là nhờ ông đã thực hiện thao tác “biết mười nói một” và biết dừng lại đúng lúc.
Bởi thế những cuốn sách của ông như cuốn “Người của một thời”, rồi những cuốn về Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… vừa phát hành ở NXB này, đã có những NXB khác xin in lại.
Ai cũng có những người thầy của mình. Trò chuyện với chúng tôi, giáo sư Hà Minh Đức chỗ này chỗ khác nói về những người thầy ấy. Những Hoài Thanh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Lương Ngọc và nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi khác. Trong câu chuyện, ông hay nói về quê ông Thanh Hóa, nơi ông còn một bà mẹ. Việc ông tự nhận mình như một “nông dân cần cù trên cánh đồng chữ nghĩa văn chương”, có lẽ cũng xuất phát từ nơi ông sinh ra, và tác phong điềm đạm, hóm hỉnh của ông.
Sinh năm 1935, với ông nay tuổi đã cao. Điều ông phàn nàn nhất là đôi mắt đã yếu hẳn, không còn được tìm tòi trong tài liệu nhiều nữa. ở ông, khát vọng được tiếp tục suy ngẫm, đọc và viết vẫn còn lớn lắm.
Ông có một người em gái, cũng theo đuổi nghiệp nghiên cứu văn học. Người con gái thì không theo nghiệp bố. Bù lại, ông có hàng nghìn "truyền nhân" là những sinh viên, nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người cũng đã thành đạt. Và đáng mừng là trong số họ, ai cũng nói về người thầy của mình với lòng kính trọng.
Trở lại lời nói đầu trong cuốn sách mới nhất của ông: Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam nửa thế kỷ qua là đường lối của Đảng về tư tưởng và nhận thức giàu sáng tạo chỉ đạo những hoạt động văn hóa văn nghệ. Một đường lối đúng đã tạo điều kiện cho văn hóa văn nghệ nảy nở, phát triển, có nhiều thành tựu và luôn khích lệ cảm hứng sáng tác lâu dài, chúng ta thấy ở ông tấm lòng của một trí thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.