Khối tài liệu (di sản) của Giáo sư – Bác sĩ – Thầy thuốc nhân dân Chu Văn Tường đang được bảo quản an toàn tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam khá lớn, bao gồm:
1. Khối tài liệu bản thảo
Đây là khối tài liệu lớn nhất, quan trọng nhất và có giá trị nhất về lý luận cũng như thực tiễn về bệnh lý ở trẻ em và phương pháp điều trị, nó gắn với cuộc đời và sự nghiệp chữa bệnh cứu người của Giáo sư – Bác sĩ Chu Văn Tường. Khối tài liệu này rất đa dạng và phong phú về nội dung, được viết tay, đánh máy bằng tiếng Việt và một phần bằng tiếng Pháp và tiếng Anh gồm:
a- Trước hết là các bản thảo về bệnh lí ở trẻ em và phương pháp điều trị; Các báo cáo khảo sát thực tế những bệnh này ở một số bệnh viện Trung ương và địa phương.
b- Tài liệu về nghiên cứu khoa học: Các báo cáo khoa học; tài liệu về các hội thảo khoa học ở trong nước và quốc tế về bệnh tật ở trẻ em.
c- Nhóm hồ sơ bệnh án: Nhóm hồ sơ này không nhiều, đây là những bệnh án của một số bệnh nhân mà Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường điều trị.
d- Tài liệu về đào tạo: Bao gồm kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo tại các Đại học Y khoa và Sau đại học về các bệnh ở trẻ em. Bản thảo về các bệnh Nhi khoa. Các tập bài giảng của Giáo sư – Bác sĩ Chu Văn Tường. Các tập bài giảng ở đại học của tổ chức UNICEP. Hội thảo giới thiệu Chương trình lồng ghép xử trí trẻ bị bệnh để giảng dạy trong các trường Đại học Y,…
2. Khối tài liệu sách, tạp chí
Đây là khối sách, tạp chí về chuyên môn được Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường thu thập suốt quá trình công tác của mình. Khối tư liệu sách và tạp chí này cũng rất quan trọng và giá trị, là nguồn bổ sung phong phú cho khối tài liệu bản thảo của Giáo sư.
3. Khối tài liệu cá nhân và gia đình
Khối tài liệu này có nhiều nội dung khác nhau: Quyết định điều động công tác của Bác sĩ Tường, quyết định về nâng bậc, nâng lương; Hồ sơ lý lịch của Bác sĩ Tường; giấy khen Bằng khen; Thư từ Quốc tế và trong nước; Danh thiếp; Thẻ sinh viên của Bác sĩ Tường năm 1945, 1946; Một số học bạ của các con Giáo sư,…
4. Khối các hiện vật
Khối các hiện vật của Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường không nhiều, gồm một số dụng cụ dùng trong công tác chuyên môn cũng như trong sinh hoạt thường ngày của Giáo sư Chu Văn Tường.
"Khối tài liệu này rất có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn ở Việt Nam,…
giúp chúng ta hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của GS Chu Văn Tường" – nhận định của ông Ngô Thiếu Hiệu
Những tư liệu (di sản) của Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường tương đối lớn, qua nghiên cứu khai thác khối di sản này giúp ta có thể hiểu được cuộc đời và sự nghiệp của Bác sĩ Tường hết lòng, hết sức vì chăm sóc sức khỏe của nhân dân nói chung và trẻ em nói riêng. Khối tài liệu này rất có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn ở Việt Nam. Khối tài liệu này được bảo quản tại Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam sẽ được Trung tâm bảo quản an toàn và đặc biệt phát huy giá trị của những tài liệu di sản này để tiếp thu những kinh nghiệm quý của thế hệ đi trước để phục vụ lại cuộc sống còn nhiều khó khăn của nhân dân ta.
Rất cảm ơn gia đình Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường đã giữ gìn, bảo quản khá tốt khối tài liệu quý giá được hình thành trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cao cả của Giáo sư-Bác sĩ Chu Văn Tường. Và đến nay gia đình đã giao số tài liệu này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học để được bảo vệ giữ gìn an toàn và phát huy tác dụng của tài liệu này phục vụ cho nhân dân ta./