Sau ngày Giáo sư Đặng Văn Chung mất (năm 1999) mặc dù được gia đình dành một không gian tốt để bảo quản tài liệu hiện vật của Giáo sư, nhưng do sức hủy hoại của thời gian (hơn nửa thế kỷ) mà một số tài liệu đã bị ố vàng, bắt đầu rách hỏng do bị côn trùng cắn…
Tài liệu hiện vật được tập kết về Trụ sở Trung tâm
Với mục đích bảo tồn và phát huy di sản của nhà khoa học để lại, tài liệu hiện vật của GS Đặng Văn Chung được cán bộ Kiểm kê – Bảo quản, bằng nghiệp vụ chuyên môn, đã nhanh chóng vệ sinh và phân loại nhằm đảm bảo tài liệu hiện vật được giữ nguyên trạng và hạn chế mức thấp nhất sự hủy hoại.
Vệ sinh là bước đầu trong Quy trình Bảo quản
Sau bước vệ sinh rất kỹ tài liệu, tiếp theo là phân loại tài liệu. Việc phân loại khối Tài liệu của GS Đặng Văn Chung đôi khi cũng gặp khó khăn, bởi tài liệu chuyên môn của ông, không chỉ có tiếng Việt mà nhiều tài liệu tiếng nước ngoài, kể cả tài liệu in và tài liệu do chính Giáo sư viết (đa phần là tiếng Pháp). Tuy nhiên, bằng lao động nghiêm túc các cán bộ của Trung tâm bước đầu đã phân chia khối tài liệu hiện vật này, bao gồm: tài liệu cá nhân, tạp chí, sách, báo, sổ ghi chép và công tác, các tài liệu chuyên môn trong đó có bản thảo, bài viết, bản ghi chép, tài liệu của Giáo sư theo các chuyên đề như: Tim và các bệnh liên quan đến tim, phổi, khớp và bệnh thấp khớp, thận, gan và các bệnh về gan, các bản thảo bài giảng cho các trường đại học…Điều làm chúng tôi hết sức khâm phục, là từ rất sớm GS Đặng Văn Chung đã qua tâm nghiên cứu về nghiện ma túy, HIV – mối hiểm họa không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với cả nhân loại.
Sách đã được vệ sinh, phân loại
Tạp chí và bản thảo chuyên môn
Khối lượng tài liệu lớn và quý giá này được cán bộ Kiểm kê – Bảo quản của Trung tâm tiến hành vệ sinh, kết hợp với cán bộ Nghiên cứu sưu tầm phân loại rất tỉ mỉ và cẩn thận, bởi họ hiểu rằng họ đang bảo vệ một tài sản vô giá không chỉ để lưu giữ tư liệu về một cuộc đời cống hiến của Giáo sư Đặng Văn Chung, mà lưu giữ một tài sản cho cả ngành Y và toàn xã hội.
Trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục tiến hành phân loại chi tiết để lập Danh mục, tạo điều kiện cho việc bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu hiện vật quý giá này.
Lê Thị Hoài Thu
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt