Góp thêm tư liệu về GS.TS Lê Văn Thiêm

Thật tình cờ và may mắn, cuối tháng 2-2012, các nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội gặp bà Võ Thị Lệ Hồng, vợ của GS Lê Văn Thiêm. Chúng tôi đã được nghe bà kể những kỷ niệm về người chồng quá cố, đặc biệt hơn, bà đã trao tặng cho Trung tâm những kỷ vật quý giá mà bà đã gìn giữ bấy lâu nay. Đó là những bức thư hai ông bà viết cho nhau những năm 1956-1957, chiếc máy chữ ông dùng khi hoạt động ở Việt Bắc, chiếc radio cũ kỹ,… và cả những chiếc thẻ cá nhân1] được GS Lê Văn Thiêm sử dụng từ những năm 1942 đến năm 1949.

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ theo những chiếc thẻ giản đơn, cũ kỹ, chúng tôi đã tìm hiểu được những thông tin khá thú vị về vị GS đáng kính này,

 Năm 1938 Lê Văn Thiêm ra Hà Nội theo học lớp P.C.B (Lý, Hóa, Sinh) và đỗ thứ nhì trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm sau, ông được cấp học bổng sang Pháp du học tại trường Đại học Paris. Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ nên đến đầu năm 1943 ông mới tiếp tục việc học tập và năm sau nhận bằng Thạc sĩ toán học tại Paris. Được học bổng của Quỹ Alexander von Humboldt, Lê Văn Thiêm sang Đức làm luận án Tiến sĩ toán học tại Đại học Tổng hợp Gottingen dưới sự hướng dẫn của nhà toán học Hams Wittich. Ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ vào tháng 4-1945 với đề tài: “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên”. Bà Võ Thị Lệ Hồng cho biết, lúc sinh thời GS Thiêm kể lại rằng thời gian ở Đức ông sống rất khó khăn, ông đã từng đi bán bít tất để kiếm sống và học tập, cũng đã từng chui xuống cống nước cùng với những người dân khác để tránh quân phát xít Đức và bị xả nước suýt chết.

  Thẻ hội viên của Hội Thể dục thể thao thuộc trường Đại học Sư phạm, năm 1942   

Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức, Lê Văn Thiêm trở về Pháp, tại đây ông tiếp tục học tập và làm việc. Năm 1946, ông tự nguyện làm một số việc giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam và tập hợp một số anh em trí thức Việt kiều đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tham dự Hội nghị Fontainebleau. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, ông có cơ hội gặp Tạ Quang Bửu tại Paris và nhận được những lời khuyên, sau này ông kể lại với người đồng nghiệp, học trò là GS Nguyễn Cang: “Lúc anh Bửu là thành viên Phái đoàn Chính phủ ta sang đàm phán với Chính phủ Pháp ở Paris, anh Bửu có đến thăm mình và khuyên mình bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ xong luận án Tiến sĩ quốc gia Toán học, vì càng có vị trí khoa học cao thì càng có uy tín để làm việc cho đất nước” [2]Cũng trong dịp này, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng giao nhiệm vụ, Lê Văn Thiêm đã sang Bỉ liên hệ giao dịch mua vũ khí để chuyển về nước.

Khoảng thời gian sau đó, Lê Văn Thiêm tiếp tục nghiên cứu, làm luận án Tiến sĩ toán học tại Pháp. Chiếc thẻ đọc: Cabinet du département des sciences mathématiques de la faculté des sciences a l'institut henri poincaré, 1948-1949 cho biết rằng vào thời điểm đó Lê Văn Thiêm đang ở tại số 118, Đại lộ Boulevard Diderot, Paris 12 eme . Không giống những tấm thẻ đọc thông thường, trên tấm thẻ còn cho thấy Lê Văn Thiêm được GS Georges Valiron giới thiệu đến Thư viện Khoa Toán thuộc Viện Henri Poincaré để đọc sách. Giáo sư Georges Valiron chính là người hướng dẫn ông làm luận án, quan hệ thầy trò khá thân mật. Với sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy giáo, năm 1948 Lê Văn Thiêm đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ khoa học quốc gia về Toán với đề tài “Về bài toán ngược phân phối giá trị các hàm phân hình”. 

Đã qua hơn 60 năm Tấm thẻ đọc vẫn còn nguyện vẹn

Cũng nhờ uy tín của GS Georges Valiron, Lê Văn Thiêm được mời làm Giáo sư giảng dạy toán học và cơ học tại Đại học Tổng hợp Zurich, Thụy Sĩ. Thông qua chiếc thẻ Ausweiskarte – Eidgenössische technische Hochschule, Zürich, được viết bằng tiếng Đức (Thụy Sỹ dùng 4 ngôn ngữ chính, trong đó có tiếng Đức) do Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Thụy Sĩ ký cho biết thêm Lê Văn Thiêm còn giữ chức vụ Trợ lý về vấn đề cơ học của Viện Công nghệ Eidgenössische technische Hochschule, Zürich. Thời gian này, ngoài công tác giảng dạy, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là ở Pháp.

Lê Văn Thiêm từng là Trợ lý của Viện Công nghệ Eidgenössische technische Hochschule, Zürich

Theo những thông tin được ghi trên tấm thẻ Carte de délégué – Congres mondial des partisans de la paix world congress of peace (Thẻ Đại biểu dự Đại hội Hòa bình thế giới), được in bằng 4 thứ tiếng: Pháp, Anh, Nga và Tây Ban Nha do Chủ tịch Đại hội Frédéric Joliot-Curie ký thì Lê Văn Thiêm là đại biểu của Đoàn Việt Nam tham dự Đại hội này. Đại hội Hòa bình Thế giới diễn ra đồng thời ở Paris – Pháp và Praha (Thủ đô của nước Tiệp Khắc xã hội chủ nghĩa) gồm đại biểu của 72 nước. Phong trào Hòa bình thế giới đã diễn ra mạnh mẽ tại Đại hội này, nhà bác học vật lý nguyên tử nổi tiếng người Pháp là Frédéric Joliot-Curie (1900-1958) được bầu làm Chủ tịch Đại hội. Frédéric Joliot-Curie có câu nói bất hủ: “Hòa bình là sự nghiệp của nhân dân các nước. Không riêng một quốc gia nào hay một cá nhân nào mà tất cả phải đoàn kết lại mới có thể bảo vệ được hòa bình, ngǎn chặn chiến tranh”[3]. Frédéric Joliot-Curie cũng là người sáng lập và lãnh đạo đầu tiên (1946-1950) của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Hòa bình thế giới 1950. Ông được tặng Giải thưởng Nobel về Hóa học năm 1935 và Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin năm 1951.

Thẻ  dự Hội nghị Những chiến sĩ hòa bình toàn thế giới của Lê Văn Thiêm – Quốc tịch Việt Nam, tại Paris năm 1949

Cuối năm 1949, bằng số tiền dành dụm được khi đi dạy học, Lê Văn Thiêm đã mua vé máy bay từ Paris về Bangkok, Thái Lan, do lúc ấy bay thẳng về Hà Nội hoặc Sài Gòn sẽ bị chính quyền Pháp kiểm soát rất gắt gao. Sau khi về Thái Lan, ông theo đường bộ, qua Campuchia rồi về rừng U Minh, Khu 9 miền Nam Việt Nam, tại đây ông tham gia Kháng chiến chống Pháp, công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ, kể cả dạy bình dân học vụ. Năm 1951, ông được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới là xây dựng trường Khoa học Cơ bản và trường Sư phạm Cao cấp, giữ chức Hiệu trưởng của hai trường này.

 Những chiếc thẻ cũ kỹ, ố vàng, có cái đã rách không đơn thuần là những kỷ vật mà nó còn là những tư liệu lịch sử phản ánh một thời đoạn học tập và hoạt động của GS Lê Văn Thiêm – một trong những nhà Toán học nổi tiếng của Việt Nam ở thế kỷ XX.  

 

Nguồn tham khảo:

 – GS Lê Văn Thiêm. H- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003.

 – http://www.vietstamp.net/article/1016/

 – Phỏng vấn bà Võ Thị Lệ Hồng (vợ GS Lê Văn Thiêm), tháng 2-2012.

Nguyễn Thanh Hóa

__________________

 [1] Những tư liệu này hiện được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

 [2] Theo lời kể của GS Nguyễn Cang – GS Toán học, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh. In trong sách: GS Lê Văn Thiêm. H- Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003, trang 32.

 [3] http://www.vietstamp.net/article/1016/