Sưu tầm, nghiên cứu về Lịch sử cuộc đời của GS Tôn Thất Tùng

Chúng tôi gặp bà Vi Thị Nguyệt Hồ vào một ngày cuối năm 2010. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên đó, bà đã trao cho chúng tôi gần 300 bức ảnh quý về GS Tôn Thất Tùng từ ảnh gia đình, ảnh Giáo sư mổ gan, gặp gỡ các bạn bè, đồng nghiệp ở trong nước và nước ngoài… Đó là khối ảnh quý ghi lại dấu ấn hoạt động của GS Tôn Thất Tùng nhưng phần lớn đã bị ố vàng. Cùng với đó là những cuốn sổ được Giáo sư ghi chép ở Trung Quốc, Triều Tiên năm 1951 và Pháp năm 1970. Những tư liệu này thật sự hấp dẫn các vị khách nước ngoài  cũng như các nhà khoa học đến tham quan Trung tâm.

Tuy nhiên, thông tin về từng bức ảnh, câu chuyện, bối cảnh về từng cuốn sổ –  linh hồn của những hiện vật quý giá ấy, thì chúng tôi đã phải dày công tìm hiểu qua nhiều người. Đó là các con gái của GS: Tôn Nữ Hồng Tâm, Tôn Nữ Ngọc Trân; bà Trần Thị Lan-người thư kí của GS; nhà báo Trịnh Tú-trợ lí của ông… Thậm chí, chúng tôi còn  tìm đến Bệnh viện Việt-Đức, nơi GS Tôn Thất Tùng cống hiến, gắn bó cả cuộc đời để khai thác thông tin từ các học trò, đồng nghiệp…

Đến thăm phòng làm việc của GS Tôn Thất Tùng

 tại Bệnh viện Việt-Đức

                                                                   Và khai thác thông tin từ các cán bộ của Bệnh viện

(Từ phải: nghiên cứu viên Trung tâm, PGS.BS Nguyễn Đức Chính, BS Trần Minh Đệ )

 Bên cạnh gặp gỡ nhân chứng sống, chúng tôi đến các cơ quan lưu trữ như Thông tấn xã Việt Nam, Thư viện Quốc gia, Thư viện trường Đại học Y, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III… nhằm tìm kiếm thông tin về Giáo sư. Và dần dần, thông tin về các bức ảnh, kí ức về những cuốn sổ được hé mở, gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu sâu lịch sử cuộc đời và đóng góp nổi bật của GS Tôn Thất Tùng trong đào tạo các bác sĩ trong kháng chiến, nghiên cứu phương pháp mổ gan khô, mổ tim và nghiên cứu về dioxin. Với những nghiên cứu đó và sự tư vấn của các chuyên gia Pháp, chúng tôi đã thiết kế trưng bày về GS Tôn Thất Tùng cùng các bác sĩ GS Nguyễn Thúc Tùng, GS Nguyễn Văn Nhân, GS Lê Thế Trung, GS Lê Cao Đài. Trước mắt chúng tôi đã đưa phần thiết kế đó lên trưng bày ảo trên trang Web: cpd.vn. Đồng thời, những tài liệu của Giáo sư Tôn Thất Tùng còn gợi mở những chủ đề phong phú trong khai thác nghiên cứu, viết bài. Bài viết kể về cuốn “Trung Triều nhật kí” của Giáo sư trong cuốn “Di sản kí ức của nhà khoa học”, do Trung tâm tổ chức xuất bản mới đây là một ví dụ.  

 Tiếp cận tài liệu của GS Tôn Thất Tùng đang lưu giữ tại Trung tâm,

 GS Đặng Hanh Đệ (học trò “ruột” của Giáo sư) trầm trồ khen ngợi cách bảo quản của Trung tâm

Mới đây, gia đình GS Tôn Thất Tùng tiếp tục trao tặng các tài liệu của Giáo sư cho Trung tâm với niềm tin tưởng tài liệu sẽ được  bảo quản và phát huy tốt nhất. Các tài liệu bao gồm: sổ ghi chép, nhật kí, bản thảo báo cáo nghiên cứu về gan và dioxin, thư của các bạn nước ngoài… Ước tính số lượng khoảng hơn 500 tài liệu.

Bà Tôn Nữ Ngọc Trân (con gái GS Tôn Thất Tùng)

giới thiệu tài liệu của Giáo sư với cán bộ Trung tâm

Ngay khi tiếp nhận về trụ sở Trung tâm, các tài liệu nhanh chóng được vệ sinh, phân loại và bảo quản theo đúng chuyên môn lưu trữ, nghiệp vụ bảo tàng. Với hơn nửa số tài liệu chuyên ngành được viết bằng tiếng Pháp, Trung tâm đã được GS Nguyễn Duy Tuân (nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Quân y), và PGS Hoàng Công Đắc, từng là những học trò của GS Tôn Thất Tùng và cũng là những nhà khoa học tâm huyết với Trung tâm, rất nhiệt tình giúp đỡ việc dịch các Tiêu đề của từng tài liệu ra tiếng Việt.

Phục vụ việc lập Danh mục các tài liệu

GS Nguyễn Duy Tuân (phải) giúp Trung tâm dịch Tiêu đề các tài liệu của GS Tôn Thất Tùng

Sau khi vệ sinh, phân loại, cán bộ Trung tâm tiến hành

 lập Danh mục tài liệu, bọc giấy can và sắp xếp vào từng hộp bảo quản.

 
Dự kiến vào cuối tháng 5-2012, nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Tôn Thất Tùng, Trung tâm sẽ tổ chức Lễ tiếp nhận khối tài liệu sưu tầm đợt hai của GS. Đây cũng là dịp để chúng tôi bày tỏ lòng cảm ơn gia đình, các đồng nghiệp, học trò của ông đã ủng hộ hoạt động của Trung tâm.

Trần Bích Hạnh

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam