Gặp người dành cả đời nghiên cứu… kiến

TS Bùi Tuấn Việt, sinh năm 1948. Ông tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 1970 sau đó về làm việc tại Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (STTNSV-Viện KH-CN Việt Nam).

Từ thập niên 1990, TS Bùi Tuấn Việt bắt đầu nghiên cứu về kiến. Ông và các cộng sự quốc tế đã công bố nhiều loài kiến mới ở Việt Nam trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đề tài “nghiên cứu Đa dạng sinh học kiến ở Việt Nam” do ông và cộng sự công bố vào năm 2008 được xem là công trình nghiên cứu lớn nhất về kiến ở Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Cùng thời với… khủng long

Kiến cũng là loài côn trùng cổ xuất hiện từ hàng chục triệu năm nay. Điều lạ ở kiến là, các mẫu hóa thạch kiến cách đây hàng triệu năm so với loài kiến bây giờ thay đổi không nhiều. “Cơ chế nào khiến cho loài kiến nhỏ bé tồn tại trong khi loài khủng long to, mạnh lại bị tiêu diệt… Đó là điều mà giới khoa học trên thế giới đang quan tâm tìm hiểu”, TS Việt tâm sự.

Theo TS Việt, đến nay trên thế giới phát hiện được khoảng 15 nghìn loài kiến và đã mô tả được khoảng 12 nghìn loài. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện mới chỉ xác định được hơn 300 loài và mới chỉ định tên khoa học được khoảng 50% trong số đó. Có nhiều loài kiến đặc hữu chỉ có ở Việt Nam như kiến Hùng Vương tìm thấy ở Hà Tĩnh, kiến Cladomyrma scopulosa sống trong thân cây vàng anh ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) hay kiến Myrmica tìm thấy trên Sapa.

Gần 20 năm qua TS Việt và nhóm nghiên cứu Viện STTNSV đã phải lặn lội đi thu gom từ Bắc vào Nam, nghiên cứu cả trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa ở 21 điểm khác nhau với trên 10 nghìn mẫu vật thu thập được.

TS Bùi Tuấn Việt và bộ sưu tập kiến (Ảnh: Minh Cường)

Chuyên gia kiến phát huy tác dụng

Năm 2010, một nhóm các nhà khoa học trường Đại học Thái Nguyên nghiên cứu về một loại bệnh trên gia cầm, cụ thể là bệnh trên gà. Nghiên cứu của nhóm này nghi ngờ các loài kiến sinh sống trong trong khu vực có liên quan đến việc gà mắc bệnh. Theo yêu cầu của nhóm trên, TS Việt đã tìm hiểu và xác định được trong vùng gà bị bệnh có 6 loài kiến sinh sống.

TS Việt cũng cung cấp đặc điểm liên quan đến các loài kiến đó cho nhóm nghiên cứu Đại học Thái Nguyên làm cơ sở trừ bệnh cho gia cầm.
Mới đây, các nhà khoa học Viện Hóa học cũng tham khảo ý kiến của TS Việt cách nhân nuôi kiến gai đen để lấy trứng sản xuất dược phẩm, thực phẩm. TS Việt đã góp ý quy trình nhân nuôi kiến và đề nghị nên triển khai cho người dân nhân nuôi kiến ở quy mô lớn nhằm xóa đói giảm nghèo và hình thành nghề mới: nghề nuôi kiến gai đen.

Hiện tại, TS Việt đang tiếp tục với các chuyên gia trong nước và quốc tế thu thập các mẫu kiến trên khắp đất nước để bổ sung, hoàn thiện công trình nghiên cứu về “tính đa dạng các loài kiến ở Việt Nam”. Tuy nhiên, ông tỏ ý buồn vì kết quả nghiên cứu kiến ở Việt Nam còn thua xa các nước như Thái Lan, Maylaysia bởi họ có đội ngũ nhân lực và đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu côn trùng. “Hiện nay giới trẻ thường hướng đến nghiên cứu những cái gì to lớn, kiếm ra tiền ngay. Lĩnh vực nghiên cứu kiến ở Việt Nam đang cần các nhà nghiên cứu trẻ nhiệt tình, thực sự say mê loài côn trùng nhỏ bé này”, TS Việt trăn trở.

Nghiên cứu sinh vật có ích gì?

Việc nghiên cứu một loài động, thực vật nào đó đối với người “ngoại đạo” thường bị xem là một công việc nhàm chán, vô bổ… Câu chuyện dưới đây sẽ cho thấy lợi ích thực tế vô cùng to lớn của những nghiên cứu loại này.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, mật ong Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường Mỹ, đẩy những người nuôi ong nước này tới nguy cơ phá sản. Mật ong nhập lậu kết hợp với tình trạng sụt giảm bầy đàn đã khiến sản lượng mật ong năm 2010 của Mỹ giảm xuống 65 triệu kg (so với mức 100 triệu kg vào năm 1998). Trong khi đó, lượng mật ong xuất khẩu từ các nước hàng xóm của Trung Quốc tăng mạnh với giá rất rẻ. Hóa ra, mật ong từ Trung Quốc được mang sang một số nước rồi đóng dấu hải quan nước đó và xuất sang Mỹ nhằm tránh bị Mỹ đánh thuế chống phá giá đối với mật ong Trung Quốc là 500%. Các phương pháp phân tích hóa lý sản phẩm mật ong trong phòng thí nghiệm tỏ ra không hiệu quả lắm để phát hiện những trường hợp vi phạm. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã phải cầu cứu với nhà khoa học chuyên nghiên cứu về phấn hoa là TS Vaughn Bryant ở ĐH Texax A&M. TS Vaughn Bryant đã áp dụng một phương pháp vô cùng độc đáo. Đó là quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra thành phần phấn hoa trong mật ong. Từ đó, dùng nó làm căn cứ truy ra nguồn gốc, xuất xứ của mật ong.

Để hỗ trợ Bryant, hãng dầu BP và Exxon Mobil đã tặng cho ông bộ sưu tập 20.000 mẫu phấn hoa đáng giá tới nhiều triệu USD. Trúc Quỳnh (Tổng hợp)

Minh Cường