Những sinh viên Y khoa của 60 năm trước (Y52), nay đã là những Giáo sư, Phó Giáo sư, Bác sĩ đầu ngành từng đảm nhiệm trọng trách khác nhau ở nhiều lĩnh vực trong ngành Y học nước nhà. Nhiều người trong số họ đã không còn nữa…Những Ký ức một thời không thể quên của lớp sinh viên Y khoa này luôn là chủ đề sống động trong mỗi kỳ gặp mặt, là một phần không thể thiếu trong Di sản quý giá của nền Y học Việt Nam.
Đến dự cuộc họp mặt đầy ý nghĩa này có các vị đại diện: Học viện Quân y; Cục Quân y; Trường Đại học Y Hà Nội;
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103; Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh – con trai cố GS Đặng Văn Ngữ ; người thân của các cựu sinh viên Y52
cùng có mặt trong buổi họp mặt.
Không quản ngại sức khỏe, tuổi cao, các thành viên trong khóa hân hoan
tới dự buổi gặp mặt truyền thống thường niên.
Thay mặt lớp Y52, GS.TS Trần Đức Hòe ôn lại quãng đường hơn nửa thế kỷ
học tập, trưởng thành và cống hiến của các thành viên khóa học trong cả Quân y và Dân y.
“…Không tài liệu, vở học sinh giấy dó.
Kính yêu thầy ghi từng chữ từng câu.
Tuổi ngang ngạnh có điều gì chưa rõ.
Lại bùng lên tranh cãi ngấm càng sâu…”
(Trích bài thơ “Trường học trong rừng” của BS Nguyễn Lư – một thành viên của Lớp).
PGS Lê Sỹ Liêm: "Chúng tôi có gốc văn hóa tốt. Vào trường được tiếp thu những kinh nghiệm của các thầy: Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đinh Văn Thắng, Đặng Văn Ngữ….Ra trường, chúng tôi vào chiến trường, vừa mổ, vừa giảng dạy, đào tạo những thế hệ sau cầm dao, cầm kéo, mổ được. Đóng góp của Khóa Y52 không những ở Học viện Quân y, Viện Quân y 103, Bệnh viện TW Quân đội 108 mà cả ngay chiến trường B, khu IV…"
BS Lê Quang Toản – Cây văn nghệ của lớp nhớ lại: "Khi ở Tuyên Quang, mỗi lần anh em không ngủ được lại gọi: Toản ơi, đàn một bài tiếng Việt đi. Đàn bài êm dịu nhé”. Ông còn góp thêm bài thơ “Anh bộ đội Cụ Hồ” đầy khí thế hào hùng
"…Lúc còn trẻ chúng tôi theo đoàn quân đi đánh giặc.
Khắp chiến trường cứu chữa thương binh.
Dù ở miền Nam hay miền Bắc.
Chẳng quản ngại, chẳng chút riêng tư nghĩ tới mình…”
“Rất vui mừng được đón tiếp các thầy, cô tại khuôn viên của nhà trường, như nhắc nhở các thế hệ
phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng đáng với các vị tiền bối, xứng đáng với lịch sử hào hùng của nhà trường
đã có đóng góp lớn vào lịch sử của dân tộc…Thay mặt các thế hệ học trò, em xin chúc các thầy cô sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho đời…”– PGS.TS Nguyễn Đức Hinh-Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội bày tỏ.
“Buổi gặp mặt của khóa cũng đúng vào ngày cả nước kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật Bác, thật đầy cảm xúc.
Tôi cảm nhận được biết bao khó khăn, gian khổ thầy, cô đã vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cảm nhận
được niềm vui và hạnh phúc, sự tiếp nối của các thế hệ. Các thầy suốt một đời giữ vững, đứng vững với tấm lòng,
tâm trí, bản lĩnh của người thầy thuốc trong sáng, tận tụy. Càng tự hào hơn vì ở các Bệnh viện, Trung tâm y tế,
các thầy là người đứng đầu. Biên niên sử của Y 52 phải được biên soạn thật kỹ như công việc của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đang làm. Ký ức mới là trí tuệ, thực sự giúp cho các thế hệ có được suy nghĩ,
bản lĩnh để nỗ lực vươn lên” – GS.TS Nguyễn Tiến Bình-Giám đốc Học viện Quân y xúc động phát biểu.
Ths Mai Phi Nga (Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam): “Trong gần 4 năm qua, Trung tâm Di sản
các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp cận nghiên cứu hơn 200 nhà khoa học với hơn 40.000 tài liệu hiện vật
do các nhà khoa học và gia đình trao tặng Trung tâm. Trong đó có các nhà khoa học của khóa Y52,
như: GS Nguyễn Tài Thu, GS.TS Trần Đức Hòe, PGS Lê Sĩ Toàn, cố GS.VS Phạm Song…Trung tâm mong muốn
trong thời gian tới sẽ mở rộng nghiên cứu các thành viên khác trong khóa nhằm lưu giữ và phát huy Di sản khoa học của bác cho thế hệ sau".
Buổi gặp mặt hiếm có của một thế hệ sinh viên
(Theo truyền thống của Lớp Y52, dâu, rể của Lớp được mời tham dự ngày họp mặt )
Ngày 7-5-1952, 79 sinh viên (75 nam, 4 nữ) tuổi đời dưới 30, từ nhiều vùng tự do miền Bắc-Trung-Nam và từ cả vùng tạm chiếm đã có mặt tại làng Quẵng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, bắt đầu theo học tại trường Đại học Y khoa mới mở lại. Họ đến trường bằng nhiều cách, người đi bộ, người đi xe đạp, người ở gần, người ở xa, có người đi lại dễ dàng, người phải trèo đèo, lội suối, băng rừng để kịp vào ngày Khai giảng. Thấm thoắt đã 60 năm, giờ những thanh niên sôi nổi, căng tràn sức sống ấy đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhiều người đã không còn nữa, nay chỉ còn 38 người… (Theo Bài đề dẫn của Ban tổ chức buổi họp mặt) .
Hoàng Thị Liêm