“…Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã cho phép tôi được tiếp cận các tư liệu của cố GS Tôn Thất Tùng. Xin cảm ơn những người đầu tư và sáng lập ra Trung tâm, cám ơn PGS.TS Nguyễn Văn Huy người đã có tầm nhìn, nhiều sáng tạo từ khi thành lập Trung tâm này. Nhưng đáng quý hơn là cái “tâm” trong khi thực hiện. Xung quanh ông đã tập hợp được một đội ngũ trẻ, rất nhiệt tình, có trách nhiệm để sưu tầm và bảo quản những tư liệu này.
Trực tiếp làm việc một buổi sáng tại Trung tâm, với khối tư liệu quá lớn của GS Tôn Thất Tùng, tôi như “cưỡi ngựa xem hoa”. Khối tư liệu này không chỉ rất lớn, mà còn phong phú về nhiều mặt, không chỉ có chuyên môn mà cả về đời sống xã hội, tình hình trong nước và trên thế giới.
Thật không ngờ đối với tôi là thầy Tùng đã ghi chép rất tỉ mỉ những công việc hàng ngày của mình về Công trình gan. Thầy không những ghi lại những trường hợp đầu tiên ông điều trị, từ bệnh án đến các xét nghiệm, diễn biến sau mổ đến thời gian sống thêm của bệnh nhân từ vài tháng cho đến hàng năm. Bên cạnh phần ghi chép còn có những hình ảnh vẽ lại phần gan đã cắt cùng các cấu trúc của nó bên trong, mà ai xem cũng đều thấy, dù không phải có chuyên môn, là những hình rất đẹp. Chỉ riêng phần cắt gan là cả một chồng dầy các tập tư liệu, trong đó có những tài liệu trích dẫn ở các báo nước ngoài về giải phẫu, sinh lý và miễn dịch. Một điều rất đáng chú ý là các tập tài liệu này đã được xếp lại, đánh số thứ tự. Điều này khi sinh thời, thầy Tùng thường nói với chúng tôi là: Làm khoa học, trước hết phải biết phân loại và sắp xếp, quan trọng hơn đó là sự quan sát sự kiện.
Đọc các quyển Nhật ký của Thầy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đi thăm Trung Quốc và Triều Tiên những năm 1952, tôi thấy toát lên những điều sau đây:
– Cường độ làm việc hết sức căng thẳng, có những đoạn mệt quá không ăn được nữa (sau 2 ngày mổ liên tục) làm cho chị cấp dưỡng phải ái ngại.
– Một tình yêu sâu sắc đối với các chiến sĩ bị thương và các đoàn dân công vận tải như diệt ròi ở vết thương bằng thuốc “Kí ninh vàng”.
– Một tấm lòng phấn khởi tột độ khi nghe tin chiến thắng nhưng lại nghĩ ngay đến những ngày sẽ phải xa cách núi rừng và lòng người Việt Bắc.
– Một tình cảm không nguôi nghĩ tới gia đình: chỉ từ một tin nho nhỏ là tối nay có đoàn chiếu phim thời sự và hoạt hình (Thầy nghĩ về hai người con của Thầy không được xem).
Tôi không ngờ là Thầy lại ghi chép tỉ mỉ những sự việc diễn ra hàng ngày như: Hôm nay bắn được máy bay nào của Pháp, thế giằng co trong chiến dịch chiếm Đồi A1.
Một điều hết sức đặc biệt là được đọc Nhật ký của cô Hồ, một người vợ, một người bạn đồng hành và cộng sự của Thầy từ những ngày đầu sau khi cưới đến những giây phút cuối cùng của Thầy. Một tình cảm sâu lắng, thắm thiết không chỉ trong những năm tháng chung sống mà cả khi Thầy đã đi xa. Nhật ký của một người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng, chịu hy sinh, gian khổ, chỉ lo đầy đủ cho gia đình. Chỉ cốt nhằm để Thầy tập trung toàn bộ thời gian và tâm sức, trí tuệ cho công việc nghiên cứu khoa học. Tôi cũng được đọc những trang ghi chép chi tiêu hàng ngày tiền đi chợ của cả gia đình, một điều mà tôi cứ tưởng cô Hồ không bao giờ để ý tới.
Chỉ qua một buổi sáng, mới xem được một phần nhỏ trong khối tư liệu của Thầy, nhưng tôi cảm nhận rõ ràng đây là một khối tư liệu hết sức quý giá. Rất tiếc là nếu trước đây, khi còn ở thời còn trai trẻ thì nó sẽ giúp tôi rất nhiều trong công việc. Nhưng bây giờ, khi có Trung tâm này, tôi rất hy vọng Trung tâm sẽ là nơi để cho những lớp người kế tiếp sẽ noi gương của Thầy – một di sản vô giá của đất nước.
GS Đặng Hanh Đệ