Cần bảo vệ gấp Di sản khoa học kỹ thuật

Cách đây 4 năm, Cục Di sản văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch được tham gia vào cuộc thảo luận về việc thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học, khi đó chúng tôi đã nhận thấy đây là một ý tưởng, một đề xuất đúng đắn có ý nghĩa để bảo vệ di sản của quốc gia và hoàn toàn ủng hộ đề án này.

Sau 4 năm hoạt động, cùng với sự phát triển của sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá của cả nước, Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã có bước tiến mạnh mẽ và hoạt động rất hiệu quả. Nhìn lại chặng đường vừa qua có thể nói Trung tâm Di sản các nhà khoa học đã có một tầm nhìn chiến lược với phương pháp tiếp cận của quốc tế về bảo vệ di sản. Tầm nhìn đó được thể hiện bằng những mục tiêu sau:

Thứ nhất, đó là việc phát hiện sự cần thiết bảo vệ một loại hình di sản quan trọng của quốc gia – di sản khoa học kỹ thuật. Trong gần 70 năm qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc để bảo vệ di sản văn hoá vật thể, di sản thiên nhiên và di sản văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên, có một loại hình di sản vô cùng quan trọng, gắn bó hàng ngày với cuộc sống nhưng chúng ta chưa nhận thức được rằng đó là di sản. Di sản này đang bị lãng quên. Đó là những di sản thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, cả khoa học Tự nhiên và khoa học Xã hội nhân văn. Di sản của các nhà khoa học là một bộ phận, cơ sở nền tảng của loại hình di sản đó. Những người sáng lập Trung tâm đã có một tầm nhìn chiến lược với đối tượng, phạm vi nghiên cứu, mục tiêu rõ ràng và kế hoạch dài hạn.

Thứ hai, từ ý tưởng về di sản của các nhà khoa học, Trung tâm đã có cách tiếp cận tổng thể di sản để nhận diện đối tượng sưu tầm. Tính tống thể ấy xuyên suốt từ việc sưu tầm tài liệu hiện vật, tư liệu hoá, vật thể hoá các thông tin về di sản; từ việc tìm kiếm, tiếp cận chủ thể của di sản đến những người có liên quan; từ một ngành khoa học đến nhiều ngành khoa học; từ sự nghiệp khoa học đến cuộc sống đời thường của mỗi nhà khoa học. Với tầm nhìn như thế Trung tâm đã có chiến lược và đang đi trên con đường xây dựng Kho tàng cơ sở dữ liệu quý giá về di sản các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và các ngành khoa học ở Việt Nam nói chung.

Thứ ba, di sản phải được đưa đến gần hơn với công chúng, phải được nghiên cứu giới thiệu và được khai thác. Di sản phải trở thành cơ hội cho mỗi người và mọi người trải nghiệm và học tập suốt đời. Trung tâm đã có mục tiêu chiến lược như thế với những kế hoạch hết sức hoài bão và đang cố gắng từng bước để đạt các mục tiêu đề ra. Được biết Trung tâm đang xây dựng một bảo tàng về các nhà khoa học. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng đất nước chúng ta sẽ có thêm một bảo tàng quý giá, ý nghĩa và thiết thực cho cuộc sống của chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau.

Có được tầm nhìn như thế, có được khối lượng di sản bao gồm hơn 40.000 đầu tài liệu hiện vật được nghiên cứu thu thập từ hơn 200 các nhà khoa học, đó là kết quả của quá trình lao động khoa học sáng tạo, bền bỉ và quyết tâm của những người sáng lập và điều hành Trung tâm. Người điều hành hoạt động chuyên môn ngay từ khi Trung tâm ra đời và thực thi chương trình hành động của Trung tâm trong 4 năm qua, người có những sáng tạo, những đóng góp khoa học mang tính quyết định vào kết quả đó là PGS.TS. Nguyễn Văn Huy. Sẽ chẳng có danh hiệu, tấm huân chương nhà nước nào dành cho ông trong công việc này. Song trong nhận thức của chúng tôi, những người làm công tác bảo vệ di sản, chúng tôi coi ông là một nhà khoa học có tầm nhìn chiến lược về di sản và đã lao động cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ di sản bằng những kết quả thực tiễn vô cùng giá trị. 

Được chứng kiến buổi Lễ tiếp nhận sưu tập tài liệu hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Bác sĩ, Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng, chúng tôi vô cùng cảm động và càng trải nghiệm thấm thía ý nghĩa của Trung tâm Di sản các nhà khoa học. Cho phép tôi được được bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với Cố Giáo sư, với gia đình và mong muốn sưu tập quý giá này đuợc bảo vệ mãi mãi và sớm được chia sẻ, giới thiệu với công chúng. Di sản của các nhà khoa học tiền bối sẽ làm nên sức mạnh, sự phát triển của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các ngành khoa học hôm nay và mai sau.

Cuối cùng cho phép tôi được bày tỏ sự kính trọng và đánh giá cao tấm lòng cao cả và nhiệt huyết của GS.TS Nguyễn Anh Trí, bà Võ Thị Ngọc Lan cùng những nhà khoa học tại Công ty Công nghệ và xét nghiệm y học (Medlatec) đã sáng lập và nuôi dưỡng, xây dựng Trung tâm Di sản các nhà khoa học – những người đã biến ý tưởng hoài bão thành hiện thực di sản của các nhà khoa học hôm nay.

Lê Thị Minh Lý

Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá