Giáo sư Nguyễn Thiện Phúc là một trong những sinh viên trẻ nhất của khóa I Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ (1972) và Tiến sĩ khoa học (1978) tại trường Đại học Bách khoa Leningrad, Liên Xô về Máy và Dây chuyền tự động nhưng có liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật vũ khí. Ông đang có dự định viết lại câu chuyện về quá trình học tập của bản thân, và con đường vào khoa học rôbốt như thế nào khi mà lúc đó, trên thế giới đang cấm không cho đào tạo về ngành này. Ông cho rằng đây là những câu chuyện khá hứng thú, bởi nó gắn liền với niềm say mê khoa học của ông.
GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc: “Phải biết cách vượt qua thì mới là cán bộ khoa học”
Con đường đến với khoa học của ông là một chặng đường dài. Những năm đầu thành lập trường Bách khoa, thư viện ít sách, internet chưa có mặt ở Việt Nam, chưa có nhiều thầy giỏi, lúc đó ông chỉ được học Toán do thầy Tạ Quang Bửu dạy. Những kiến thức Toán học ở Đại học Bách khoa đã giúp ích rất nhiều cho ông trong quá trình vận dụng để chứng minh các vấn đề nghiên cứu. Chính điều này làm cho các thầy giáo Nga hết sức ngạc nhiên, họ đề nghị với Việt Nam cho ông tiếp tục làm Luận án Tiến sĩ khoa học. Ông đã nhận được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của giáo sư N.I. Kontrin, mặc dù có một vài ý kiến trái chiều liên quan đến việc nghiên cứu của ông. Và với quyết tâm theo khoa học, ông luôn tâm niệm: “Khoa học là phải biết cách vượt qua thì mới là cán bộ khoa học”. Với lòng say mê khoa học và sự ủng hộ nhiệt tình của người thầy đáng kính, ông đã khẳng định được vị trí của mình tại các Hội nghị khoa học bằng việc gửi các bài báo, chuyên đề nghiên cứu tới hội nghị. Các ý kiến của ông được giới khoa học lúc đó đánh giá cao.
Trở về Việt Nam sau khi bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ khoa học, GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc được nhiều cơ quan đề nghị nhận về công tác, nhưng cuối cùng ông lựa chọn về phòng Cơ học máy, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội hợp tác với Viện Cơ học Việt Nam. Ông được tin tưởng giao phó nhiều vị trí công tác quan trọng để có thể đem tài năng và trí tuệ góp phần phát triển nền khoa học kỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình hoạt động khoa học và giảng dạy của mình, ông không thể quên những kỷ niệm đặc biệt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi theo chân Đại tướng đi khắp Bắc – Nam để góp ý kiến cho Hội đồng Chiến lược của Quốc gia, được Đại tướng khen tại Hội đồng khoa học Trung ương. Ông cũng từng được mời tham dự buổi chúc Tết tại Phủ Thủ tướng do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chiêu đãi.
Là người từng tham gia công tác quản lý, ông trăn trở với tình hình đào tạo cán bộ khoa học ở Việt Nam, bài “Vài vấn đề về đào tạo Sau Đại học ở nước ta” đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học là một ví dụ.
Tại buổi làm việc, Giáo sư cũng chia sẻ với nghiên cứu viên một số thông tin về nhóm Bách khoa khóa I. Đây là những thông tin làm cơ sở để Trung tâm mở rộng nghiên cứu đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học kỹ thuật.
Buổi trao đổi với ông đã gợi mở cho chúng tôi nhiều ý tưởng tiếp cận nghiên cứu. Cuộc đời gắn với khoa học, những trăn trở và lòng quyết tâm, say mê trong nghiên cứu sáng tạo, những dự định khoa học tiếp theo của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc là các vấn đề mà chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu.
Nguyễn Thị Hiên
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam