Thêm những hiện vật quý của GS Tôn Thất Tùng

 Căn phòng của hai ông bà kể từ khi GS Tùng ra đi vẫn nguyên si, không hề xê dịch đi một vật dụng nào, với bà Vi Thị Nguyệt Hồ, ông vẫn như hiện diện đâu đó bên cạnh những người thân yêu của mình. Ngày nào bà cũng ngồi rất lâu ở căn phòng, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm của gia đình, để nhớ về những tháng ngày vất vả nơi núi rừng Việt Bắc, nhớ về thời gian bà luôn bên ông đi thực hiện các ca mổ,… Và rồi đều đặn Chủ nhật hàng tuần, bà lại đến thăm người chồng quá cố của mình ở nghĩa trang Mai Dịch. 

Giữa năm 2012, Trung tâm Di sản các nhà khoa học có may mắn được gia đình ủy thác cho một phần di cảo của GS Tôn Thất Tùng, đó là những tư liệu chuyên môn gắn với những giai đoạn lịch sử vô cùng quý giá, bao gồm những cuốn nhật ký, những bản thảo về gan, về dioxin, thư từ trao đổi về khoa học,…

Trong tiết trời giá rét của những ngày cuối năm âm lịch này, các nghiên cứu viên của Trung tâm rất phấn khởi khi lại được ngồi trò chuyện cùng bà Vi Thị Nguyệt Hồ và con gái Tôn Nữ Ngọc Trân trong căn phòng làm việc ấm cúng của GS Tôn Thất Tùng lúc sinh thời. Hai chiếc ba lô khổ lớn được bà Hồ trao tặng cho Trung tâm lưu giữ, chính là chiến lợi phẩm GS Tôn Thất Tùng có được khi ông tham gia cứu chữa thương bệnh binh trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Bà Hồ cho biết, có thể những chiếc ba lô này đựng đồ tiếp tế (thức ăn hoặc nhu yếu phẩm) của quân Pháp thả dù xuống nhưng quân ta thu được. Từ đó, những chiếc ba lô cứ rong ruổi cùng gia đình của GS Tùng khắp những nẻo đường Việt Bắc. Ban ngày, những vật dụng của gia đình như chăn màn, quần áo được cho vào 2 chiếc ba lô và mang để ngoài vườn hoặc ngoài sân. Sở dĩ như vậy là phòng khi bị đạn pháo quân Pháp bắn trúng nhà, đồ đạc để trong nhà sẽ bị cháy hết. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), những chiếc ba lô này vẫn được GS Tùng sử dụng để đựng đồ đạc và ông coi nó như những kỷ vật quý của một thời khói lửa, gian khổ nơi núi rừng kháng chiến.

 

Hai chiếc Ba lô – vật dụng hữu ích của gia đình GS Tôn Thất Tùng trong thời gian kháng chiến

 Khi tiễn chúng tôi, bà Vi Thị Nguyệt Hồ chợt nhớ, bà mới tìm thấy bức thư của một Giáo sư người Mỹ gửi GS Tôn Thất Tùng ngày 10-6-1981 viết về vấn đề dioxin. Bức thư đã cũ và hằn dấu thời gian, đối với chúng tôi thật đáng quý, có thêm một tư liệu minh chứng về những hoạt động khoa học của GS Tùng nói chung và những cố gắng nói riêng của ông trong lĩnh vực nghiên cứu tác hại của dioxin.

 Nhận những kỷ vật của GS Tôn Thất Tùng do bà quả phụ Vi Thị Nguyệt Hồ trao tặng, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình phải trân trọng, giữ gìn và phát huy những kỷ vật của các nhà khoa học một cách tốt nhất. 

 Nguyễn Thanh Hóa – Lục Tiến Mạnh