GS.TS Đỗ Ánh được phong hàm Giáo sư Nông nghiệp năm 1980, chuyên ngành Thổ nhưỡng Nông hóa. Ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp, Bộ Nông Nghiệp (1983-1991).
Khi biết được mục đích hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngay từ buổi làm việc đầu tiên GS Đỗ Ánh đã rất ủng hộ và trao tặng Trung tâm một số hiện vật quý. Trong số đó, không thể không kể đến đề tài Đất và vỏ phong hóa nhiệt đới ẩm viết bằng tiếng Nga của các tác giả Đỗ Ánh, Vũ Ngọc Tuyên, Trần Văn Nam, Nguyễn Văn Dũng, Lê Thành Bá (1958-1962); Luận án Phó tiến sĩ Sử dụng phân lân, kali bón vôi cho cây đậu tương, đậu trắng và đậu dây trên đất chua của ông viết bằng tiếng Nga (1965); Các bản thảo sách, bài giảng, báo cáo khoa học, các hiện vật khối… Đặc biệt, hơn 600 ảnh về ông được chụp trong thời gian ông làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô và trong suốt quá trình công tác cũng được ông trao gửi Trung tâm. Trong số đó, có không ít những bức ảnh về Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong các chuyến đi thăm, thị sát tình hình sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
GS.TS Đỗ Ánh (trái) trao tặng hiện vật cho cán bộ Trung tâm
GS.TS Đỗ Ánh đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về đất trồng. Những tư liệu hiện vật trao tặng Trung tâm dịp này, phần nào nói lên những đóng góp của ông trong lĩnh vực này. Một số hiện vật đã gắn bó với ông trong suốt những năm tháng học tập và làm việc như: Chiếc mũ vải thêu hoa của một người nông dân Nga tặng ông khi đi thực tế hoàn thiện Luận án Phó Tiến sĩ (1964), Chiếc máy đánh chữ cổ Olympia được ông sử dụng trong suốt thời bao cấp, bốn chiếc cặp da và chiếc đồng hồ ông được tặng trong chuyến công tác tại Nhật (1990) và nhiều bản thảo bài giảng viết tay giảng dạy cho sinh viên, bài giảng phổ biến cho nông dân, các công trình nghiên cứu khoa học, các sách tham khảo tiếng Nga và giấy tờ có giá trị khác… Tất cả những tư liệu quý trên được ông trân trọng lưu giữ nhiều năm nay sẽ phục vụ hữu ích cho công tác nghiên cứu của Trung tâm sau này.
Dù tay GS Đỗ Ánh vẫn còn băng gạc do bị chấn thương sau vấp ngã, nhưng ông rất nhiệt tình, trách nhiệm để buổi làm việc, sưu tầm của các nghiên cứu viên được thực hiện theo kế hoạch. Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin được trân trọng cảm ơn sự tin tưởng, sự ủng hộ quý báu của ông.
Nguyễn Thị Loan