Người tận hiến

TS Nguyễn Văn Hậu

Nguyên chủ nhiệm bộ môn văn hóa học của Trường đại học Văn hóa Hà Nội – TS Nguyễn Văn Hậu suốt đời mình là người như vậy, một lòng tận tụy vì khoa học.

Sinh Sài Gòn, sống Hà Nội

Năm 1987, nhà giáo Nguyễn Văn Hậu được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Ít ai biết rằng trước năm 1975, khi đang là sinh viên Trường đại học Vạn Hạnh (Sài Gòn), ông đã tham gia hoạt động cách mạng và làm nhiệm vụ giao liên tình báo… Lý lịch trích ngang của ông ghi rõ: “Nguyên quán: Hà Nội. Sinh quán: Sài Gòn”. Và rồi chàng sinh viên khoa triết học phương Đông ấy đã có cơ hội ra thủ đô khi được Sở Văn hóa TP.HCM tuyển đi thi và trở thành sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại trường làm công tác giảng dạy và bắt đầu bước chân vào lĩnh vực “xã hội học văn hóa” – một bộ môn đặc biệt đã khơi dậy trong ông những ý tưởng nghiên cứu mới mẻ về văn hóa học. Có lẽ được đào tạo về triết học phương Đông, vốn dĩ rất quan tâm nghiên cứu Phật học và dịch học, nay bước vào một môi trường mới, ông thấy mình như “cá về với nước” và văn hóa học dường như đã “sẵn chờ” ông ở đó.

Và “Ký hiệu học văn hóa” từ đó đã trở thành vấn đề chuyên môn được sự quan tâm hàng đầu của nhà giáo Nguyễn Văn Hậu. Năm 1997, ông bảo vệ luận văn thạc sĩ với đề tài “Tìm hiểu biểu tượng văn hóa trong đời sống văn hóa – xã hội”. Năm năm sau, ông hoàn thành luận án tiến sĩ “Biểu tượng trong lễ hội dân gian truyền thống vùng châu thổ Bắc bộ” (2003), tiếp theo đó là đề tài nghiên cứu cấp bộ “Biểu tượng trong di sản văn hóa địa bàn Hà Nội” (2005) một lần nữa khẳng định con đường mà ông đã chọn. Năm 2008, là thành viên Hội đồng cấp nhà nước xây dựng khung chương trình văn hóa học đào tạo hệ đại học trên cả nước, ông càng có điều kiện mở rộng, đào sâu lĩnh vực nghiên cứu của mình.

Nhưng có lẽ công việc vất vả nhất khiến ông phải lao tâm khổ tứ, huy động tối đa trí tuệ và thời gian, một mình làm việc bằng cả một tập thể, đến mức gần như bị vắt kiệt sức lực và đổ trọng bệnh chính là vào thời điểm ông tập trung đầu tư xây dựng chương trình khung và hình thành khoa văn hóa học cho Trường đại học Văn hóa Hà Nội.

Nhà giáo chưa hề in sách

Rất khó để trong một giới hạn nhất định mà có thể nói hết những gì nhà văn hóa học Nguyễn Văn Hậu đã trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu trong nhiều năm liền… Trong thư viện gia đình ông còn đó những chồng dày bản thảo, hồ sơ nghiên cứu cá nhân công phu. Ông chưa một lần in sách. Ông vẫn đang đợi những phản biện từ người đọc để tiếp tục hoàn thiện những nghiên cứu đó. Ông cho rằng người ta chỉ nên xuất bản các công trình nghiên cứu một khi đã có sự khẳng định chắc chắn về mặt khoa học. Thế nên bây giờ con người chí thú với khoa học ấy vẫn chỉ vẻn vẹn có trong tay những công trình nghiên cứu ở dạng bản thảo.

Bạn bè, học trò ông vẫn kể lại những câu chuyện khó quên về một người thầy, một nhà nghiên cứu văn hóa tận tụy, yêu nghề. Những buổi lên lớp “thông tầm” chỉ còn lại tiếng giảng bài sang sảng của ông vang lên giữa giảng đường vào giờ đã tan học… Hay những câu chuyện về văn hóa, về biểu tượng… với bạn bè, đồng nghiệp tưởng như bất tận, không bao giờ dứt… Khi ở nhà, thư viện gia đình cũng là nơi ông dành thời gian nhiều nhất. Có những thời điểm đèn trên bàn làm việc của ông sáng thâu đêm. Ông miệt mài học, đọc, viết. Con người ham đọc, ham học ấy có vẻ như không để ý lắm đến danh vọng vì ông hiểu những danh hiệu không thay thế được tri thức. Ông đã sống và làm việc như vậy, cho đến một ngày đang đứng trên bục giảng, viên phấn trượt khỏi tay và ông khuỵu xuống, học trò sau đó đã phải dìu thầy về phòng. Một cơn đột quỵ nhẹ bắt đầu cho một cơn bạo bệnh. Một tay bị liệt hoàn toàn, ông vẫn lên lớp. Đến lúc không thể nào đứng lên được và đôi chân dần bị liệt, ông mới rời vị trí của mình.

Khát vọng sống

Nằm trên gường bệnh, khát vọng sống vẫn lấp lánh trong đôi mắt sáng của ông. Ông nhớ trường, nhớ lớp, nhớ những thế hệ học trò mang đầy ước vọng như chính mình ngày nào. Ông thèm được tiếp tục những công việc còn đang dang dở, biên soạn lại công trình “Lễ hội văn hóa Việt Nam”, hoàn thiện “Giáo trình ký hiệu học văn hóa” và bắt tay làm “Từ điển biểu tượng văn hóa” bấy lâu ấp ủ…

Hơn ai hết, ông chấp nhận một sự ra đi nhẹ nhõm nhất sau tất cả những gì đã góp nhặt, kiến tạo, vun đắp cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy của mình. Từng phút, từng giờ, từng ngày, người đàn ông ấy đánh đổi gần như hầu hết thời gian cuộc sống cho khoa học. Chỉ những việc ấy mới khiến ông thật sự thấy mình được tiếp thêm năng lượng…

“Nếu có kiếp sau, tôi vẫn khao khát được làm nghề dạy học và tiếp tục công việc nghiên cứu văn hóa”, và “nếu chết, còn lại thân xác sẽ hiến nốt cho khoa học”. Với tinh thần ấy, tâm nguyện ấy, dường như nhà giáo Nguyễn Văn Hậu đã làm nên một biểu tượng mới: đó là sự tận hiến cho nghề nghiệp của mình.

Kim Hoa

Nguồn: tuoitre.vn/Giao-duc/544200/nguoi-tan-hien.html

 ———–

Nhiều bài viết của TS Nguyễn Văn Hậu đăng trên các tạp chí chuyên môn như “Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa – nghệ thuật”, hoặc “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc qua thế giới biểu tượng”, hoặc “Văn hóa là hệ thống các biểu tượng thông tin – xã hội”… cho thấy nhà nghiên cứu đã nhiệt thành dồn vào đây bao nhiêu tâm huyết, sức lực. Cách đặt vấn đề cũng như cách tiếp cận vấn đề “biểu tượng văn hóa” của ông được soi chiếu ở nhiều góc độ khác nhau, không lệ thuộc, áp đặt “tinh thần luận”, “hiện tượng luận” hay “thao tác luận”… Quá trình nghiên cứu càng giúp ông thấy rõ con đường của mình.

Với quan niệm “văn hóa là lớp thăng hoa trên cái tự nhiên, của con người và xã hội loài người”, ông đã có những đánh giá sâu sắc về “ngôn ngữ biểu tượng” và “tính văn hóa của biểu tượng”: “Người ta ngày càng tìm cách “giải mã” ngôn ngữ biểu tượng để mở rộng sự hiểu biết và đi sâu vào thế giới thông tin, cũng là để làm chủ một “năng lượng tinh thần” của một loại hình riêng biệt – siêu ngôn ngữ (super language). Biểu tượng còn là một hình thái ngôn ngữ đặc trưng của con người và là “tế bào” của văn hóa (L.White), cho nên khi tìm hiểu về biểu tượng cũng là đang tìm hiểu về văn hóa. Thế giới văn hóa chính là thế giới của biểu tượng”.