Trong căn nhà số 56 phố Hàng Chuối, đâu đó vẫn như hiển hiện bóng dáng của GS.VS Trần Đại Nghĩa. Ký ức về người cha nhân hậu, giản dị, nhưng nghiêm khắc, còn trong công việc ông là một người tài năng, liêm khiết…, vẫn còn đậm nguyên trong suy nghĩ của các con, các cháu trong gia đình. Đại tá Trần Dũng Trí cho biết: năm 1974, khi tôi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quân sự, cha đã nói với tôi: “Rất mừng vì con đã học xong đại học. Con là một sĩ quan, do Quân đội đào tạo, ở nơi nào cần, tổ chức phân công thì con nên chấp hành, ba không can thiệp vào công việc của con”.
Đại tá Trần Dũng Trí, trưởng nam của cố GS.VS Trần Đại Nghĩa
Giáo sư Trần Đại Nghĩa luôn nhắc nhở 4 người con trai của mình phải luôn tự lực, vươn lên bằng chính sức lực của mình: “Phải cố gắng học tập, phải sống và làm việc bằng chính khả năng của mình, không dựa vào người khác… Khi nào gặp khó khăn cứ nghĩ đến Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân thì sẽ vượt qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đó cũng là điều mà Đại tá Trần Dũng Trí tâm đắc và luôn phấn đấu thực hiện trong cả cuộc đời mình.
Những kỷ vật còn lại của GS Trần Đại Nghĩa là bộ quần áo complê đã sờn vải, một chiếc kính cận mắt dầy, một chiếc cặp đựng tài liệu, và chiếc chăn len bộ đội. Tất cả đều gắn bó với những năm tháng hoạt động khoa học, làm việc và cống hiến hết mình cho đất nước của vị Giáo sư tài, đức song toàn.
Trao những kỷ vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Đại tá Trần Dũng Trí xúc động cho biết đã nhiều năm qua, những kỷ vật đó vẫn nằm ở chiếc tủ gỗ cũ kỹ được Giáo sư dùng từ những ngày đầu khi trở về Hà Nội (1954), mỗi lần nhìn những vật dụng mà Giáo sư thường dùng lúc sinh thời, gia đình lại cảm nhận được sự hiện diện của cha, ông mình.
Những kỷ vật giản dị đó không những có ý nghĩa đối với gia đình mà còn là những hiện vật có giá trị trong công tác trưng bày bảo tàng sau này của Trung tâm.
Thanh Hóa