Trong buổi tiếp xúc với gia đình GS Đỗ Xuân Hợp giữa tháng 6 vừa qua, chúng tôi được biết Giáo sư là con thứ 5 trong một gia đình có 9 anh chị em, bố là một nhà nho nghèo và tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. “Từ nhỏ, cụ đã nổi tiếng thông minh, học hết trung học phổ thông tại trường Bưởi, thi đỗ trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương, rồi tốt nghiệp ra trường, cụ được phân công lên Bắc Hà làm việc. Cụ thường xuyên đi thăm thú dân tình, chứ không ngồi yên ở bệnh xá. Qua những chuyến đi đó, cụ giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn và không mong họ trả ơn” – Trung tá, Bác sĩ Đỗ Xuân Ánh kể với chúng tôi về người cha và ông cho rằng đó là những điều mà ông khâm phục và học được nhiều nhất từ cha của mình.
Năm 1932, nghe tin Trường Y khoa Đông Dương đang tuyển chọn một trợ lý ngành Giải phẫu cho Viện Giải phẫu của trường. Với quyết tâm của mình, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp thi đỗ và trở thành người phụ giúp cho Giáo sư P. Huard – Giám đốc của Viện Giải phẫu học, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Đông Dương thời bấy giờ. Từ đó, Đỗ Xuân Hợp trở thành người đầu tiên trợ giảng và hướng dẫn cho sinh viên thực tập trong Khoa Phẫu thuật của Trường Y khoa Đông Dương.
Gia đình GS.Thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp năm 1964
Năm 1946, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp lên đường tòng quân. Giữa núi rừng Việt Bắc thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, nhưng hàng ngày Bác sĩ Hợp vừa trực tiếp cứu chữa thương bệnh binh, vừa soạn bài giảng bằng tiếng Việt để học viên dễ tiếp thu bài học. Bác sĩ Đỗ Xuân Hợp là người rất giỏi tiếng Pháp, ông giảng dạy cho sinh viên bằng tiếng Pháp, nhưng ngay sau Cánh mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của Đảng đưa tiếng Việt vào trường Đại học thì ông là một trong những người đầu tiên hưởng ứng bằng tất cả tâm huyết của mình.
Là người đam mê nghiên cứu khoa học, bác sĩ Đỗ Xuân Hợp thường quên ăn quên ngủ nếu chưa tìm ra lời giải thỏa đáng cho một vấn đề nào đó. Trung tá Đỗ Xuân Ánh kể lại, năm 1951, cụ nhiều ngày suy nghĩ cân nhắc khi chuyển ngữ tên một loại xương từ tiếng Latinh (Tibia) sang tiếng Việt. Bác sĩ Nguyễn Thế Khánh thấy vậy mới đưa ra một gợi ý: tôi thấy cái xương ấy giống như cái chày giã cua của chị nhà. Giáo sư Đỗ Xuân Hợp thấy hợp lý, ông vui vẻ gật đầu tâm đắc, gọi xương đó là “xương chày”.
Là chuyên gia giải phẫu nổi tiếng nhưng Giáo sư Đỗ Xuân Hợp sống chan hòa, gần gũi với mọi người, nhiệt tình hướng dẫn học trò như con của mình. “Học trò của cụ rất nhiều, mặc dù không ai gọi là cụ là Thủ trưởng nhưng họ rất kính trọng và thường gọi cụ một cách thân thiết là Bon père – người cha tốt”, – Trung tá Đỗ Xuân Ánh tâm sự.
Cho đến tận bây giờ, khi “Người thầy Giải phẫu” đã khuất bóng gần 30 năm nhưng những ký ức, bài học từ ông thì luôn còn mãi với nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp .
Bích Phương
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam