Kho tư liệu quý của học giả Phan Ngọc

 PGS Phan Ngọc sinh năm 1925 tại Yên Thành, Nghệ An, là con trai của Cụ Phan Võ-quan Thượng thư của triều Nguyễn. Tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương và gia đình, từ bé Phan Ngọc đã nổi tiếng là người ham học và giàu lòng yêu nước. Sau khi tốt nghiệp tú tài thời Pháp, ông nhập ngũ và chiến đấu ở sư đoàn 304 trong kháng chiến chống Pháp. Từ 1954-1955, ông tham gia Ban Liên hiệp đình chiến, vào Côn Đảo tiếp nhận tù chính trị. Về Hà Nội, ông làm công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ đầu những năm 1980 ông là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện KHXH Việt Nam. Thông thạo 12 ngoại ngữ, ông được biết đến là một nhà dịch thuật tài hoa đã dịch nhiều trước tác nổi tiếng như Triết học Hegel (từ tiếng Đức), Thần thoại Hy Lạp (từ tiếng Hy Lạp), Spartacus (từ tiếng Ý), Chiaans tranh và hòa bình (từ tiếng Nga), Sử ký Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ (từ tiếng Hán), Shakespeare (từ tiếng Anh)… Về nghiên cứu khoa học, ông được đánh giá là một học giả có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam với cụm công trình “Văn hóa Việt Nam-cách tiếp cận mới” (1994) và “Bản sắc văn hóa Việt Nam” (1998).

 

Vợ chồng học giả Phan Ngọc trao đổi với GS Phạm Đức Dương

 

về việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu các nhà khoa học (2013)

 

Trân trọng những đóng góp khoa học của bậc đàn anh, GS.TS Phạm Đức Dương đã không quản khó khăn để làm “nhịp cầu nối” giữa chúng tôi với PGS Phan Ngọc, Ở tuổi 89, sức khỏe của PGS Phan Ngọc không còn được tốt, các hoạt động hàng ngày của ông đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người vợ hiền – bà Vũ Kim Tuyến. Không chỉ chăm lo sức khỏe cho chồng, bà Tuyến còn là người thư ký tận tụy, gìn giữ từng trang viết của chồng. Hiện tại, gia đình vẫn còn lưu giữ một kho tư liệu quý giá về học giả Phan Ngọc, gồm nhiều bản thảo, các hiện vật và tài liệu, tư liệu liên quan đến hoạt động khoa học của ông.

 

Trao đổi với nghiên cứu viên Trung tâm, bà Vũ Kim Tuyến chia sẻ: “Sau nhiều lần chuyển nhà, tài liệu của gia đình đã mất mát rất nhiều. Số còn giữ lại được chỉ là một phần rất ít. Gia đình tôi đang lo lắng về việc gìn giữ các tài liệu, hiện vật của nhà tôi như thế nào. Nay GS Phạm Đức Dương đã giới thiệu Trung tâm với gia đình thì gia đình sẽ xem xét để chuyển giao toàn bộ tư liệu liên quan đến cuộc đời của nhà tôi cho Trung tâm”. 

 

Bùi Minh Hào

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam