Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Lương Tấn Thành (1927-2010) sinh ra trong một gia đình công chức ở Hà Nội. Năm 1949, ông là sinh viên Khoa Y Dược, Đại học Dược Hà Nội và tốt nghiệp thủ khoa vào tháng 6-1954. Tháng 10-1954, ông cùng Đoàn Y tế của Hà Nội đón bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, cũng từ ngày đó cho đến khi nghỉ (1999), ông liên tục giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Hóa sinh, cùng các cán bộ đồng nghiệp xây dựng và phát triển Khoa nói riêng, Bệnh viện nói chung.
Ngoài công tác quản lý và nghiên cứu khoa học, Giáo sư Lương Tấn Thành còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông từng là Ủy viên Ban Chấp hành Chữ thập đỏ Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo tín ngưỡng Công giáo, ông đã tích cực tham gia đóng góp vào những hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam,…
Giáo sư Lương Tấn Thành (bên trái) hướng dẫn sinh viên thực tập
tại Bệnh viện Bạch Mai, đầu những năm 1960
Kể từ khi Giáo sư Lương Tấn Thành về cõi cực lạc, gia đình vẫn giữ nguyên căn phòng làm việc nhỏ của ông ở số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội. Ở đó lưu giữ những tư liệu về quá trình học tập và hoạt động khoa học của ông từ những năm 1950 cho đến khi ông mất. Tin tưởng vào tôn chỉ mục đích hoạt động của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà quả phụ Nguyễn Thị Minh Yến đã trao tặng Trung tâm những tư liệu này. Những tư liệu gồm các văn bằng, chứng chỉ học tập do Chính phủ Pháp cấp từ những năm 1940 -1950,… Ngoài ra còn hàng trăm bản thảo các bài giảng, bài báo cáo liên quan đến vấn đề ghép thận, gan, ung thư,… và hàng trăm bức ảnh tư liệu ghi lại quá trình học tập và công tác của ông. Những tư liệu này đều đã cũ và in đậm dấu ấn của thời gian, tâm huyết của Giáo sư Lương Tấn Thành.
Thông qua số tài liệu hiện vật này chúng ta có cơ sở để nghiên cứu toàn diện hơn về lịch sử cuộc đời cũng như những đóng góp trong hoạt động khoa học và xã hội của cố Giáo sư Lương Tấn Thành.
Nguyễn Thanh Hóa
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam