Nhà khoa học về ký sinh trùng học

 

Từ những năm 1960 khi đang làm công tác giảng dạy tại Khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thị Lê đã có thời gian tham gia nghiên cứu cùng với đoàn công tác của Viện Ký sinh trùng học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô do GS.TSKH B.E Sudarikor làm Trưởng đoàn. Trong những chuyến đi điền dã điều tra về ký sinh trùng ở vùng đồng bằng, ven biển, và miền núi Việt Nam cùng đoàn, bà đã định hướng nghiên cứu chuyên sâu về Sán lá ở chim và thú.

 

Cơ duyên với nghề từ đó, và cũng là một điều kiện thuận lợi khi Nguyễn Thị Lê được cử sang Viện Ký sinh trùng của Liên Xô làm thực tập sinh rồi nghiên cứu sinh (1964-1968). Trở về nước tiếp tục công tác giảng dạy tại trường cùng với sự đam mê khám phá những điều bí ẩn về sán lá ký sinh, bà thường cùng GS Đào Văn Tiến, GS Đặng Ngọc Thanh, GS Võ Quý và các cán bộ trong Khoa đi về các tỉnh miền núi xa xôi điều tra về ký sinh trùng ở chim, thú, tìm kiếm lấy mẫu sán lá ký sinh để tiến hành thí nghiệm.

Suốt một thời gian dài lăn lộn thực tế ở Việt Nam là tiền đề thành công cho Luận án Tiến sĩ khoa học của PTS Nguyễn Thị Lê. Năm 1975-1980, bà làm Cộng tác viên cao cấp cho Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Tháng 9-1980, với hơn 300 mẫu sán lá ký sinh ở chim và thú thu thập được ở Việt Nam, bà đã có ý tưởng làm Luận án Tiến sĩ khoa học đề tài “Sán lá ký sinh ở chim và thú của Việt Nam”. Được Viện Ký sinh trùng chấp nhận, bà đã thực hiện Đề tài Luận án và bảo vệ thành công. Hội đồng khoa học của Viện Ký sinh trùng Liên Xô đánh giá cao công trình nghiên cứu, vì bà đã phát hiện thêm nhiều mẫu mới mà ở Việt Nam và trên thế giới chưa phát hiện được.

Sau khi về nước, TSKH Nguyễn Thị Lê đã hợp tác với Viện Nông nghiệp, Đại học Y Hà Nội và Đại học Tổng hợp thực hiện nhiều thí nghiệm phát hiện sán lá phổi, sán lá gan, giun sán, giun đũa ký sinh ở thực vật, động vật và ở người. Những kết quả đó đã đóng góp hữu ích phòng chống bệnh tật lây lan từ sán lá trong nhân dân. Năm 2010, hai cuốn sách viết về “Động vật chí ở Việt Nam” của GS Nguyễn Thị Lê được chọn đưa vào Cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong buổi làm việc với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 2-8-2013, GS Nguyễn Thị Lê đã trao tặng Trung tâm gần 100 bức ảnh trong thời kỳ làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô và trong quá trình hoạt động khoa học của bà.

 

Gần 80 tuổi, GS Nguyễn Thị Lê vẫn đang cố gắng hoàn thiện cuốn sách dịch từ tiếng Nga nội dung về hệ thống phân loại sán lá ở động vật Việt Nam, theo bà đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu liên quan đến loại ký sinh này.

 

 

 

Lưu Thị Thúy

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam