– Thưa bác, đã gần tối rồi mà bác chưa nghỉ ạ? Tôi mỉm cười hỏi Giáo sư.
Miệng nở một nụ cười đôn hậu, ông xiết chặt tay tôi:
– Nhiều việc quá anh ạ. Suốt hơn một tháng nay tôi thường phải làm việc cho tới tận khuya.
Tôi nhìn lên bàn làm việc của giáo sư: hàng chục bài báo khoa học bằng tiếng Pháp và tiếng Việt của các tác giả mà ông phải đọc lại trước khi gửi đăng trên các tạp chí “Revue Médicale” và “Y học Việt Nam”, ba bốn bản luận án phó tiến sĩ y học của các học trò do giáo sư trực tiếp hoặc tham gia hướng dẫn cũng đang chờ ông hiệu chỉnh, sửa chữa trước ngày bảo vệ trước Hội đồng giám khảo. Còn đây nữa, bản thảo của cuốn Chuyên đề sinh lý học tập III do giáo sư chủ biên dày gần ba trăm trang cũng đang được ông hoàn chỉnh lại trước khi đưa tới nhà xuất bản… Và, còn biết bao nhiêu công việc khác nữa cũng đang chờ đợi bàn tay và khối óc, không, đúng hơn là cả tấm lòng của nhà khoa học xuất sắc, của người thầy giáo kính yêu – GS.BS. Nguyễn Tấn Gi Trọng – mà mùa xuân năm ấy đã bước sang năm thứ 73 của cuộc đời.
GS Nguyễn Tấn Gi Trọng (1913 – 2006).
GS Nguyễn Tấn Gi Trọng tốt nghiệp bác sĩ y khoa vào năm 1941 với luận án Tủy đồ trong bệnh sốt rét và công tác ở Phòng Y tế, Sở Hỏa xa Đông Dương được mấy năm. Tháng 8/1945, cách mạng thành công, ông được đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ Phó Cục trưởng Cục Quân y. Cùng với bác sĩ Cục trưởng Vũ Văn Cẩn và một số cán bộ khác, BS. Trọng đã lát những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành quân y cách mạng Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 1946, trước tình hình mới của cuộc kháng chiến, Hồ Chủ tịch đã giao cho ông phụ trách công tác thông tin tuyên truyền. Thế là từ ngày 19/12/1946, khi tiếng súng đánh Pháp bùng nổ trên toàn quốc, trước trách nhiệm nặng nề của công tác này, BS. Trọng đã thôi chức Phó Cục trưởng Cục Quân y và chuyển sang chuyên trách về công tác thông tin tuyên truyền với cương vị Tổng Giám đốc Nha thông tin tuyên truyền toàn quốc.
Đã mấy chục năm trôi qua, nhưng mỗi khi có dịp ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời kỳ kháng chiến, GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng vẫn không khỏi xúc động:
– Hồi ấy, đài phát thanh của ta đóng ở thị xã Bắc Cạn. Sáng ngày 6/10/1947, theo lệnh của trên chúng tôi chuyển lên hồ Ba Bể, chưa kịp làm gì thì sáng mồng 7 địch nhảy dù xuống đây, sục tìm đài phát thanh. Nhưng chúng đã không thể ngờ được rằng với một chiếc máy cũ đặt trên một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh giữa mặt hồ Ba Bể, chúng tôi vẫn phát tín hiệu đều đặn. Rồi ngay đêm đó, bộ phận Nha Thông tin lại gồng gánh phá đường, mở lối, vượt qua cả đèo Piaouac, 7 ngày ròng rã, ngày ăn ổi xanh, đêm ngủ ven rừng, cuối cùng chúng tôi đã hành quân tới chợ Chu (Thái Nguyên) một cách an toàn.
Ông ngừng lại, trong khóe mắt ẩn một thoáng đượm buồn rồi tiếp:
– …Trong cuộc hành quân này, một đồng chí của chúng tôi đã hy sinh vì một loạt liên thanh của địch.
Nhưng có lẽ những lần gặp Bác Hồ trong thời gian này mỗi khi có công việc khó khăn đột xuất vẫn là những kỷ niệm đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời của GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng. Một lần vào cuối năm 1946, bọn Quốc dân đảng đặt loa phóng thanh ở đường Quán Thánh nói xấu Chính phủ, xuyên tạc đường lối của ta, ông đã đến gặp Hồ Chủ tịch.
– Thưa Bác, chúng là những người xấu. Xin phép Bác cho chúng tôi đối phó và xin một lực lượng để trừng trị bọn chúng – giáo sư đề nghị.
Nhưng Bác đã mỉm cười độ lượng:
– Chú hãy bình tĩnh và nên nhớ rằng mọi người Việt Nam đều có lòng yêu nước. Sở dĩ họ làm như vậy là họ không hiểu mình. Nhiệm vụ của chú là phải làm cho họ hiểu, chưa làm cho người ta hiểu mình, sao lại đòi trị người ta.
Bài học quý báu đó GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng đã ghi nhớ mãi và làm theo trong suốt cuộc đời hoạt động xã hội của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các trí thức tại Hội nghị Chính trị hiệp thương (1964) (GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng ngồi thứ hai từ trái qua).
Từ đầu năm 1957, sau một thời gian công tác ở nước ngoài, GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý học, Trường đại học Y Hà Nội. Trong suốt gần ba mươi năm qua, cùng với các đồng nghiệp và học trò của mình, ông đã hết lòng xây dựng bộ môn từ một cơ sở giảng dạy coi như không có gì đáng kể, chỉ vẻn vẹn một giảng đường với vài phương tiện thực tập cũ kỹ trở thành một bộ môn y học cơ sở vững mạnh của nhà trường gồm một giáo sư, ba phó giáo sư, một tiến sĩ, sáu phó tiến sĩ và đông đảo các nghiên cứu sinh và bác sĩ trẻ có tài năng, say mê nghiên cứu làm việc trong những phòng thí nghiệm hiện đại: Phòng Hóa – Sinh lý (tặng phẩm của GS.TS. S. Rapopore, Viện trưởng Viện Hóa sinh, Trường đại học Tổng hợp Humbolt, Berlin, Cộng hòa Dân chủ Đức), Phòng Sinh lý lâm sàng, Phòng Hóa – Tổ chức, Phòng Sinh lý dinh dưỡng, Phòng Nghiên cứu chức năng thận (xây dựng từ năm 1980)…
Sau những lần đi công tác và dự hội nghị khoa học ở nước ngoài (Hội nghị quốc tế về ung thư lần thứ VII, Matxcơva 1962, Hội nghị quốc tế về cấp cứu y học và nội khoa ở Budapest tháng 6/1973…) được tiếp xúc với các nhà y học nổi tiếng thế giới: Janos Sentagothai, E.Bacsi, B.Spock… GS. Trọng thường nắm bắt được những vấn đề khoa học thời sự nóng hổi. Với kiến thức uyên bác và lòng say mê khoa học, ông đã chỉ đạo bộ môn đi sâu vào những nghiên cứu hết sức quan trọng. Trước hết là các vấn đề ứng dụng như: sinh đẻ có kế hoạch, kỹ thuật chiết xuất kích dục tố rau thai, y học lao động phục vụ công – nông nghiệp…, đặc biệt công trình nghiên cứu hằng số sinh học do giáo sư chủ trì đã tập hợp được nhiều các cơ quan khác tham gia, đánh dấu một bước quan trọng trong việc điều tra cơ bản về con người Việt Nam mà kết quả là đã xuất bản được tập Hằng số sinh học người Việt Nam. Bên cạnh những vấn đề ứng dụng, những nghiên cứu cơ bản cũng song song phát triển dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông. Cùng với các bộ môn y học khác, bộ môn sinh lý học đã đi vào nghiên cứu sinh học phân tử: chức năng của các hormon vùng dưới đồi (hypothalamus), trạng thái “sốc” của sốt rét, sự thích nghi tích cực của cơ thể với tình trạng thiếu protein… Trước bất cứ một vấn đề khoa học nào, GS. Trọng cũng có một thái độ hết sức trân trọng và nghiêm túc.
Ngoài công tác khoa học, GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng còn tham gia nhiều hoạt động xã hội phong phú, ông là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học, Chủ tịch Hội Sinh lý Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý học Trường đại học Y Hà Nội…
Xúc động trước sự tận tuỵ cống hiến trong lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, GS Nguyễn Tấn Gi Trọng đã cùng với GS. Trần Hữu Tước, là những người thầy thuốc đầu tiên đứng ra thành lập Ban Y học nghệ thuật để chăm sóc sức khỏe cho giới nghệ sĩ, đặc biệt là chăm sóc giọng nói, tiếng hát cho các ca sĩ và diễn viên.
Tôi đã gặp nhiều bác sĩ trẻ tuổi, những học trò của thầy Trọng, ai cũng coi giáo sư như một người cha hiền từ. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, không kể tuổi cao và việc bận, ông cũng sẵn sàng nâng đỡ các tài năng trẻ trong những bước đi chập chững đầu tiên trên con đường khoa học…
Một làn gió lạnh lùa qua khe cửa vào phòng, GS. Trọng cúi xuống quấn lại chiếc khăn len cho ấm cổ rồi chậm rãi tâm sự với một giọng nói thiết tha, nồng nhiệt:
– Trong những năm cuối đời này, tôi nguyện đem hết tâm trí và sức lực còn lại của mình để đóng góp cho sự nghiệp đào tạo cán bộ y tế của nước nhà.
Tôi ngước nhìn lên tường: bên cạnh bức chân dung chị Kim Yến, một thiếu nữ xinh đẹp, dịu hiền, con gái giáo sư, đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất Tây Ninh trong một đợt đi phục vụ chiến dịch, là tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất mà ông được Nhà nước trao tặng ngày 29/5/1984; lòng tôi bỗng rộn lên bao niềm xốn xang, xúc động…
Ngoài trời, mưa đã ngớt dần và thành phố đã lên đèn. Trước khi xin phép giáo sư ra về, tôi còn nêu thêm một thắc mắc:
– Thưa bác, làm sao bác lại có thể hoàn thành được nhiều công việc như vậy?
Trên khuôn mặt đẹp lão của giáo sư bỗng nở một nụ cười hiền từ, thanh thản:
– Anh có nhớ một câu nói nổi tiếng của nhà văn Pháp vĩ đại Honoré de Banzac không? “Thời gian là cái vốn quý duy nhất cho những ai chỉ có trí thông minh làm của cải”. Suốt đời mình, tôi đã làm việc theo phương châm đó.
Sau buổi gặp gỡ ấy, bẵng đi mà đã gần ba mươi năm trôi qua, do hoàn cảnh công tác và tình trạng sức khỏe, GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng chuyển vào TP. Hồ Chí Minh làm việc tại Trường đại học Y Dược và Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng cán bộ y tế. Thỉnh thoảng trong các dịp Hội nghị khoa học hoặc Hội đồng chấm luận án ở Hà Nội hay ở TP. Hồ Chí Minh, tôi mới có dịp gặp lại ông.
Từ năm 1997, khi đã bước vào tuổi 85, ông được nghỉ hưu. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngọn lửa nhiệt tình say mê khoa học không lúc nào nguội lạnh trong lòng ông. Ông vẫn làm cố vấn cho Trung tâm Đào tạo – Bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh, vẫn tích cực tham gia công tác trong Hội Y học TP. Hồ Chí Minh, đem tình cảm và kiến thức của mình truyền cho các thế hệ thầy thuốc trẻ.
Đánh giá cao những cống hiến to lớn của GS. Nguyễn Tấn Gi Trọng trong sự nghiệp y tế và giáo dục, Nhà nước đã tặng thưởng ông nhiều huân chương và giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và nhiều huy chương cao quý khác.
GS.TS. Lê Gia Vinh (Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam)
Nguồn: suckhoedoisong.vn/2013081012572831p0c61/tam-long-cua-mot-nha-khoa-hoc.htm