Tài sản cả một đời đi và vẽ

“Đời mình chẳng có gì nhiều ngoài những tập bản đồ địa chất”- đó là câu kết luận của TS Phạm Văn Quang khi trao tặng những tập bản đồ cùng tài liệu quý giá của ông cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ngày 13-8-2013.

TS Phạm Văn Quang, sinh năm 1934 tại Phú Thọ, là cựu học viên lớp sơ cấp địa chất được tổ chức tại Chùa Láng năm 1955, cựu sinh viên ngành Địa chất khóa I, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông được biết đến là một trong số những chuyên gia hàng đầu về vẽ bản đồ địa chất ở Việt Nam. Sau mấy tháng học lớp sơ cấp địa chất, ông được theo chuyên gia Liên Xô đi vẽ bản đồ ở Chợ Điền, Bắc Kạn. Tốt nghiệp Đại học năm 1959, ông được nhận về công tác tại Cục Địa chất. Và từ đó, cuộc đời ông gắn liền với những hành trình đi nghiên cứu và vẽ bản đồ địa chất khắp mọi miền đất nước. Tính đến nay, ở tuổi 80, TS Phạm Văn Quang là tác giả và đồng tác giả hơn 160 bản đồ địa chất. Trong đó có nhiều bản đồ quan trọng như Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam (1965), Bản đồ bể than Đông Bắc (1969), Bản đồ cấu trúc địa chất vùng thung lũng sông Bôi (1972), Bản đồ cấu trúc địa chất Việt Nam (1985), Bản đồ cấu trúc địa chất vùng Huế-Đồng Hến (2001), Bản đồ cấu trúc địa chất vùng núi Pháo, Thái Nguyên (2005)…

“Ngày nào mình còn thở được, mình vẫn vẽ”

TS Phạm Văn Quang giới thiệu về các bản đồ địa chất của ông với nghiên cứu viên Trung tâm, 2013

Thăm căn phòng làm việc của ông, hẳn không khỏi ngạc nhiên khi sáu bề đều là bản đồ. Trên bàn, dưới ghế, trong tủ, trần nhà, bờ tường đều treo bản đồ địa chất do ông vẽ. Vầng trán cao, mái tóc bạc phơ lưa thưa, trông ông giống một người nghệ sĩ giữa sự bao quanh của những tác phẩm là những tập bản đồ. Tay cầm bút chì, cầm thước và cũng không buông điếu thuốc, ông chia sẻ: “Niềm đam mê không có tuổi cậu ạ. Mình đã đi-đi-và đi gần trọn cuộc đời nhưng vẫn không biết mỏi. Có lẽ không có sự mệt mỏi trong niềm đam mê. Tiếc là sức khỏe con người có hạn nên giờ muốn đi mà không đi được. Nhưng vẽ thì vẫn tiếp tục được. Ngày nào mình còn thở được, mình vẫn vẽ. Khắp nhà mình là bản đồ nhưng mình vẫn thấy ít, vẫn thấy thiếu…”.

Khi trao những tư liệu quý giá của cuộc đời mình cho Trung tâm, bao gồm những tập bản đồ, những bản thuyết minh bản đồ, kính lập thể, ảnh tư liệu, bản thảo báo cáo khoa học… và cả những bức thư của các thầy, trò, đồng nghiệp gửi cho ông, TS Phạm Văn Quang cũng gửi thêm một lời tâm huyết: “Mình làm tất cả vì niềm đam mê của bản thân nhưng không vì lợi ích riêng. Và giờ mình cũng không muốn giữ lại cái gì để làm của riêng cho mình. Hy vọng những ai thích và quan tâm đến những tài liệu này, qua Trung tâm đều có thể chia sẻ”.

 

 

Bùi Minh Hào

Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam