Người khởi đầu xây dựng chuyên khoa Thận nhi

GS.TSKH Lê Nam Trà trong buổi làm việc với cán bộ Trung tâm

Đang học năm cuối trường Đại học Y Hà Nội, năm 1960, Lê Nam Trà được tham gia khóa đầu tiên đào tạo chuyên khoa sơ bộ. Sau đó, ông cùng 8 sinh viên được phân về Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ môn Nhi khi đó chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về Nhi. Thời kỳ đó các bệnh thường gặp ở trẻ em như suy dinh dưỡng nặng cả thể thấp còi và phù thũng thiếu vitamin; bệnh về tim và bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn; tiểu chảy… cũng chưa được quan tâm nhiều. Ông phải tự tìm hiểu qua các tài liệu tham khảo trên thư viện cũng như trong thực tế khám chữa bệnh để tích lũy kiến thức. Khi ấy, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sinh viên năm cuối Lê Nam Trà được giao phụ trách một buồng bệnh gồm 20 giường có khoảng 30-40 bệnh nhân. “Đó cũng là một phương pháp học hiệu quả mà qua đó tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế”, GS.TSKH Lê Nam Trà tâm sự.

Năm 1969, Lê Nam Trà được cử đi làm nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức, với Đề tài “Nghiên cứu sự phát triển của thận sau khi cắt thận”. Sau gần 3 năm miệt mài nghiên cứu, nghiên cứu sinh Lê Nam Trà đã bảo vệ thành công Đề tài luận án tại Hội đồng Khoa học của trường Đại học Humboldt và được cấp bằng Tiến sĩ vào năm 1971. Đây cũng là đề tài nghiên cứu đầu tiên về Thận của TS Lê Nam Trà. Trở về nước, áp dụng những vấn đề đã học, đã nghiên cứu và qua thực tiễn, Lê Nam Trà nghiên cứu sâu về lĩnh vực Thận học và cùng đồng nghiệp xây dựng Khoa Thận nhi đầu tiên tại Viện Bảo vệ sức khỏe Trẻ em (nay thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương) và ông chuyên tâm với lĩnh vực Thận nhi cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000.

Từ đó đến nay, GS.TSKH Lê Nam Trà vẫn say mê nghiên cứu khoa học, không chỉ chuyên về Thận nhi mà ông còn đi sâu nghiên cứu về giá trị sinh học, tăng trưởng ở trẻ em, đặc điểm sinh thể người Việt Nam…

 

Bích Phương