Vĩnh biệt “Cha đẻ của Ngân hàng xương”

GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân sinh ngày 12-8-1924 tại Hà Nội. Vào năm 2009, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận nghiên cứu lịch sử cuộc đời của Giáo sư Nhân lần đầu tiên. Khi đó ông đang được điều trị tại Viện Quân y 108. Nằm trên giường bệnh, song ông rất quan tâm và ủng hộ hoạt động của Trung tâm. Ngay từ buổi đầu tiếp xúc ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê khoa học "cháy bỏng" của mình.

Với Giáo sư Nhân, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng là niềm ham mê suốt đời và cũng là sở trường của ông. Công trình nghiên cứu khoa học đầu tay của Giáo sư Nhân chính là bản luận án Phó Tiến sĩ, đề tài: “Điều trị Không liền xương-Khớp giả-Mất đoạn xương cẳng chân bằng phương pháp phẫu thuật" được ông thực hiện và bảo vệ thành công tại Viện Chấn thương – Chỉnh hình Trung ương Liên Xô, năm 1960. Với sự nỗ lực miệt mài tìm tòi để có những đóng góp mới, những kết quả nghiên cứu của luận án đã giúp ông giải quyết được các ca bệnh có di chứng vết thương về xương ở thời bình và thực hiện hàng loạt loạt các sáng chế-sáng tạo khác khi về nước. Cũng ngay trong thời gian thực hiện luận án, năm 1958, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Nhân còn sáng chế ra bộ Dụng cụ nâng xương và bảo vệ phầm mềm trong phẫu thuật kết xương-ghép xương ở xương chầy và bộ dụng cụ này đã được cấp bằng sáng chế và sản xuất hàng loạt để sử dụng ở Liên Xô.

Trên cương vị Chủ nhiệm Bộ môn Chấn thương – Chỉnh hình, Viện Quân y 108, PTS, bác sĩ Nguyễn Văn Nhân đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao. Đầu tiên là phải kể đến việc ông thành lập Ngân hàng xương đầu tiên ở Việt Nam (1964-1968) để bảo quản xương tử thi ở độ lạnh -250C với trang thiết bị thô sơ, đã ghép xương-tạo khớp cho hàng trăm bệnh nhân cả trong và ngoài quân đội. Tiếp đến là sáng tạo Bộ dụng cụ kết xương nén ép (cả bên trong và bên ngoài) đầu tiên của ngành Chấn thương – Chỉnh hình Quân đội. Sáng chế cọc ép ren ngược chiều của PTS, bác sĩ Nguyễn Văn Nhân đã được ứng dụng để giải quyết vấn đề về kéo dài chi, kết xương 2 ổ, điều chỉnh bàn thân thuổng, bàn chân khoèo… Điều đặc biệt, khâm phục hơn là PTS Nguyễn Văn Nhân đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, với đề tài: "Tái tạo ngón tay cái bị cụt bằng phẫu thuật "cái hóa" ngón tay dài" tại Học viện Quân y Kirốp, Lêningrat, Liên Xô khi ông đã ở tuổi 67. Còn nhiều, còn nhiều nữa những đóng góp của GS Nguyễn Văn Nhân đối với ngành Chấn thương – Chỉnh hình với ước muốn đem lại hạnh phúc cho người bệnh.

GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân: Tôi tin tưởng trao tặng tư liệu hiện vật cá nhân cho Trung tâm… (ngày 3-5-2010)

Đánh giá cao hoạt động của Trung tâm, GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân luôn động viên Trung tâm làm tốt hơn nữa trách nhiệm mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao cả của mình. Giáo sư Nhân đã trao tặng hơn 10.000 tư liệu hiện vật – một khối tư liệu quý giá, được ông coi là "những đứa con tinh thần", gắn bó suốt cuộc đời nghiên cứu, khám chữa bệnh của ông để Trung tâm bảo quản, nghiên cứu.

Cách mới đây vài ngày, bệnh nhân Lê Hoành Tân ở Thanh Hóa – người được Giáo sư Nhân ghép xương từ năm 1964 và được ông theo dõi hậu phẫu suốt hơn 40 năm, đã liên hệ với Trung tâm và báo sẽ ra Hà Nội để gặp lại vị "ân nhân" của mình để chúng tôi chuẩn bị thực hiện những thước phim xúc động và quý giá về hai con người: Thầy thuốc và bệnh nhân. Nhưng tiếc thay, trái tim người Thầy của ngành Chấn thương-Chỉnh hình – GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân – đã ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng biết bao người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Tên tuổi của ông sẽ còn mãi trong ngành Chấn thương – Chỉnh hình Quân đội và lịch sử ngành Y học Việt Nam.

Xin kính cẩn nghiêng mình thắp một nén nhang tiễn đưa hương hồn GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân về nơi cực lạc.

Hoàng Thị Liêm