Sưu tầm tài liệu của PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh

PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh (1936 – 2011) được sinh ra tại Xiêng Khoảng (Lào), nhưng quê gốc ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông được gia đình đưa trở về nước, sau đó tản cư lên sinh sống và học tập ở Việt Bắc. 

 

PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh (thứ 3 từ trái sang, hàng sau) 

trong buổi họp mặt truyền thống Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô, 10-2001 

 Năm 1956, Kiều Vĩnh Khánh thi đỗ và là sinh viên khóa đầu tiên của trường Đại học Bách khoa. Tốt nghiệp đại học, Kiều Vĩnh Khánh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Vô tuyến điện cho đến lúc nghỉ hưu, năm 2006.

Trong suốt 47 năm công tác, ông đã biên soạn 11 giáo trình dành cho sinh viên đại học, 5 giáo trình cao học và nhiều giáo trình chuyên đề cho cán bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Bưu chính viễn thông, Bộ Văn hóa thông tin… Ông cũng đã chủ trì 4 đề tài cấp Bộ và tham gia một số đề tài cấp Nhà nước, trong đó chủ trì 3 đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình “Điện tử – Tin học – Viễn thông” như: Công nghệ chế tạo máy phát quảng bá VHF (mã số: 480706); Hiện trạng và Dự án phủ sóng phát thanh toàn quốc (mã số: 60E0103); Thông tin vệ tinh (mã số: KC0114B).

Từ khi PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh mất (10-2011), các tài liệu, hiện vật liên quan tới quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học của ông vẫn được lưu giữ tại nhà riêng. Sau một thời gian làm việc cùng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà quả phụ Đỗ Phi Nga đã tin tưởng giao toàn bộ khối tư liệu, hiện vật của PGS.TS Kiều Vũ Khánh cho Trung tâm lưu giữ. Khối tư liệu bao gồm nhiều loại hình: sách, bản thảo bài giảng, bản thảo sách, sổ ghi chép, thư từ, ảnh tư liệu… đặc biệt còn hàng trăm hiện vật khối liên quan đến quá trình nghiên cứu, thí nghiệm khoa học như: kính hiển vi, máy đo tần số, máy hàn tự chế, kính lúp… Những tư liệu này sẽ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh.

Trao tặng những tư liệu của người chồng quá cố, bà Đỗ Phi Nga bày tỏ sự cảm ơn và tin tưởng với những việc làm của Trung tâm dành cho các nhà khoa học nói chung, đồng thời mong muốn những tài liệu của PGS.TS Kiều Vĩnh Khánh được lưu giữ, sử dụng, phát huy một cách hiệu quả nhất.

Nguyễn Thanh Hóa