Tại lễ tiếp nhận, TS Nguyễn Hoa Cương – con trai GS – đã thay mặt gia đình trao tặng Trung tâm bộ sưu tập với hơn 2500 tư liệu, được Giáo sư và gia đình lưu giữ từ sau 1945 đến nay. Đây là một bộ sưu tập tư liệu quý không chỉ liên quan đến lịch sử cuộc đời của GS Nguyễn Văn Chiển mà còn có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử ngành địa chất Việt Nam, lịch sử ngành giáo dục…
PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh về ý nghĩa của việc bảo tồn các giá trị di sản của các nhà khoa học.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận khối tư liệu của GS Nguyễn Văn Chiển, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc chuyên môn của TTDS – đã thay mặt Trung tâm cảm ơn gia đình giáo sư đã tin tưởng trao tặng toàn bộ khối tài liệu quý cho Trung tâm lưu giữ và ông cũng khẳng định các tư liệu hiện vật này sẽ được bảo quản tốt nhất và phát huy giá trị cao nhất phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Cũng trong buổi tiếp nhận tài liệu của GS.TS.NGND Nguyễn Văn Chiển, các nhà khoa học, đồng thời cũng là các học trò và đồng nghiệp của Giáo sư đã chia sẻ những kỷ niệm rất xúc động về người thầy, người đồng nghiệp trong quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy và nhiều bài học sống khác… cũng là một dịp nhìn nhận lại sự nghiệp và đóng góp khoa học của GS Nguyễn Văn Chiển.
Đó là những chia sẻ hết sức chân thành về phương pháp dạy và học của GS Nguyễn Văn Chiển: “trang bị” kiến thức cơ bản về địa chất, trao “chìa khóa” ngoại ngữ cho sinh viên qua phương pháp tư duy, tự đào tạo bản thân…Những lớp học trò, đồng nghiệpcủa GS Nguyễn Văn Chiển với những thành công và có nhiều đóng góp cho ngành địa chất ngày hôm nay như GS.TS.NGND Tống Duy Thanh, GS.TS.NGND Trần Nghi, GS.TS Mai Trọng Nhuận, PGS.TS Tạ Hòa Phương là một minh chứng cho phương pháp dạy và học đó.
Ông Văn Thành – thành viên Ban biên tập Tạp chí Tia sáng, cũng đã có vài kỷ niệm phác họa lại chân dung GS Nguyễn Văn Chiển, một nhà khoa học có cuộc sống rất giản dị, chân thành, luôn làm việc hết sức mình, muốn cống hiến hết sức mình cho đất nước…
GS.TS Nguyễn Lân Dũng đã tâm sự về người thầy đáng kính của mình: Tấm gương yêu nước, nhiệt tình cống hiến cho khoa hoc, giáo dục và một nhân cách cao đẹp của Thầy sẽ sống mãi trong các thế hệ học trò của Thầy và những người được biết đến Thầy.
Lễ tiếp nhận diễn ra trong không khí trang trọng nhưng ấm cúng và rất xúc động với những câu chuyện, những hồi ức đẹp về một người cha, người thầy, người đồng nghiệp luôn có cái tâm, cái tầm của một nhà khoa học hết lòng vì nghề, vì sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Theo lời PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Lễ tiếp nhận bộ tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử cuộc đời GS Chiển hoàn toàn có tính chất khởi đầu, vì thế việc nghiên cứu lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học là một quá trình rất dài, công việc tiếp theo của TTDS là bắt tay vào việc nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn, để tư liệu hóa hiện vật, làm sống lại những hiện vật mà gia đình đã trao lại cho Trung tâm. Những kỷ niệm, lời phát biểu của bạn bè, đồng nghiệp của GS Nguyễn Văn Chiển trong lễ tiếp nhận sẽ là những tư liệu rất quý mà Trung tâm mong muốn được các nhà khoa học tạo điều kiện giúp đỡ để TTDS tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, dựa trên cơ sở những tài liệu đó, TTDS sẽ từng bước hoàn thiện để làm phong phú thêm nội dung các trưng bày về lịch sử cuộc đời Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, thế hệ các nhà địa chất, các ngành khoa học… trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Hoa Cương – con trai GS Nguyễn Văn Chiển – đại diện gia đình phát biểu tại buổi lễ
PGS.TS Nguyễn Văn Huy và Tiến sĩ Nguyễn Hoa Cương (Đại diện gia đình GS Nguyễn Văn Chiển) ký văn bản giao nhận bộ tài liệu
Đại biểu khách mời tham quan hệ thống kho tư liệu hiện vật tại Trung tâm Di sản
Đồng nghiệp, bạn bè chụp ảnh lưu niệm
cùng gia đình GS Nguyễn Văn Chiển tại buổi Lễ
Khánh Phương