Kỷ niệm 100 năm sinh GS Trương Tửu

Tới dự lễ kỷ niệm có đại diện gia đình GS Trương Tửu, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà báo.

GS Trương Tửu sinh ngày 10-10-1913 và mất ngày 16-11-1999, ông là một nhà giáo, nhà văn và nhà nghiên cứu, phê bình văn học nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sớm tham gia cách mạng. Từ năm 1941-1946, ông là Giám đốc Văn chương (như Tổng Biên tập ngày nay) của Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trương Tửu hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc và tham gia giảng dạy tại trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa, và là Chi hội phó Chi hội văn hóa Thanh Hóa. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông về Hà Nội và giảng dạy tại Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư đợt đầu tiên cùng với Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu…

GS Nguyễn Đình Chú chia sẻ những kỷ niệm về Thầy – GS Trương Tửu, , 2013

Sự nghiệp của GS Trương Tửu trải rộng trên cả lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ông để lại cho hậu thế một di sản đồ sộ trên nhiều phương diện: về sáng tác, ông viết nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết như “Thanh niên SOS” (1937), “Khi chiếc yếm rơi xuống” (1939), “Khi người ta đói” (1940), “Một cổ đôi ba tròng” (1940), “Tráng sĩ Bồ Đề” (1943) … Về nghiên cứu, phê bình văn học, Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa cũng có nhiều công trình quan trọng như: “Kinh thi Việt Nam” (1940), “Nguyễn Du và Truyện Kiều” (1943), “Nguồn gốc văn minh” (1943), “Văn chương Truyện Kiều” (1944), “Tương lai văn nghệ Việt Nam” (1945)… GS Trương Tửu còn là một nhà giáo đã góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ học trò tài năng trong lĩnh vực ngữ văn như GS Nguyễn Đình Chú, GS Hà Minh Đức, GS Phan Cự Đệ, GS Nguyễn Văn Hoàn… Năm 1958, do liên quan đến phong trào Nhân văn-Giai phẩm nên GS Trương Tửu bị dừng không tham gia các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Từ năm 1959, ông sống bằng nghề châm cứu và chữa bệnh bằng đông y cho đến khi qua đời.

Tại buổi lễ, sau khi dâng hương và tưởng niệm nhân ngày giỗ của GS Trương Tửu, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học cùng các thế hệ học trò cũng đã có những bài tham luận nhìn nhận lại cuộc đời và sự nghiệp của GS Trương Tửu. Bên cạnh đó là chia sẻ những kỷ niệm của các học trò với ông.

Sau nhiều đánh giá và đề xuất của các nhà nghiên cứu, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Chỉ có thời gian mới cho chúng ta hiểu thêm về GS Trương Tửu và những đóng góp to lớn của ông cho nền nghiên cứu, phê bình văn học nước nhà”.

Bùi Minh Hào