Tư liệu cá nhân nhưng là tài sản quý của xã hội
GS, NGND Đoàn Trọng Truyến tốt nghiệp trường Cao đẳng Canh nông năm 1944 nhưng sự nghiệp của ông lại gắn bó với kinh tế học từ năm 1945 khi ông đã tham gia Ủy ban Hành chính Trung bộ và được giao phụ trách vấn đề kinh tế. Cho đến khi qua đời năm 2009, GS Đoàn Trọng Truyến đã đảm nhiệm nhiều cương vị trong công tác đảng và quản lý Nhà nước về kinh tế: Phó ban Tài chính thương nghiệp Trung ương, Phó Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế Chính phủ, Phó Viện trưởng Viện nghien cứu quản lý kinh tế trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban vật giá Nhà nước, Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng. Ông còn là nhà khoa học có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu đồng thời là nhà sư phạm mẫu mực trong việc giảng dạy kinh tế học và khoa học hành chính. GS Đoàn Trọng Truyến cũng được coi là người đặt nền móng và tạo dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế cho khoa học hành chính ở Việt Nam. Ông được Hội đồng chức danh Giáo sư đặc cách phong hàm Giáo sư chuyên ngành kinh tế năm 1980.
Khối tư liệu lớn của GS, NGND Đoàn Trọng Truyến gồm hơn 7.000 đầu tư liệu (nhật ký, bản thảo, bài giảng, báo cáo khoa học, ảnh…) và hiện vật phản ánh nhiều mặt công tác, nghiên cứu và đời sống sinh hoạt của ông từ sau năm 1945 cho đến cuối đời. Những quyến sổ ghi chép tỷ mỷ những sự kiện mà ông đã tham gia cùng với những nhân vật lịch sử cùng thời; những trang bản thảo có những dòng viết chéo trên đầu trang ghi tóm lược, cô đọng những suy nghĩ, ý tưởng của ông chợt lóe lên…
Những tư liệu đó không chỉ quý giá trong việc nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời GS Đoàn Trọng Truyến mà còn phản ánh những nét lịch sử thời đại ông đã sống, những sự kiện quan trọng mà ông đã tham gia. Đó là những dấu tích, bằng chứng lịch sử sống động, quý giá giúp cho việc nghiên cứu lịch sử khoa học kinh tế, khoa học hành chính tại Việt Nam từ sau năm 1945.
Chặng đường năm năm đầu tiên
Gia đình đã tin tưởng giao khối tư liệu cá nhân đồ sộ của GS Đoàn Trọng Truyến cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam thống kê, phân loại, sắp xếp, lập danh mục và đưa vào hệ thống bảo quản. Những hoạt động trong năm năm qua của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xác nhận rằng sự tin tưởng đó là có cơ sở.
Trên thế giới, việc phát triển hệ thống lưu trữ tư nhân ở nhiều nước đã góp phần giữ lại cho xã hội, cho lịch sử nhiều di vật, tư liệu là những bằng chứng lịch sử của các vùng, các ngành, các lĩnh vực thông qua góc nhìn ghi chép và lưu trữ của những con người cụ thể. Ở Việt Nam công việc này còn khá “lạ” với nhiều người, kể cả với những người làm công tác quản lý lưu trữ. Đến nay mới chỉ có Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam làm công việc sưu tầm bảo quản những tư liệu cá nhân của các nhà khoa học.
Trong năm năm hoạt động, Trung tâm đã “cấp cứu” lưu trữ được 11 vạn đầu tài liệu và hiện vật đang có nguy cơ bị thất lạc, bị hủy hoại, bị phân tán khắp nơi của gần 400 nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có những nhà khoa học nổi danh như: Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Nguyễn Văn Chiển, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Văn Nhân…
Với tinh thần trân trọng lịch sử, với phương pháp và phương tiện khá hiện đại, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã bảo vệ khối tư liệu, hiện vật đó một cách chuyên nghiệp. Hệ thống kho lưu trữ (cả tư liệu giấy và hiện vật khối) đã được bảo đảm về nhiệt độ và độ ẩm; hệ thống danh mục, phân loại được sắp xếp khoa học, dễ tra cứu sẽ tạo điều kiện phát huy giá trị của những tư liệu đó với các nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm.
Chặng đường đầu tiên năm năm qua của Trung tâm đã ghi nhận những thành tựu bước đầu trong cố gắng giữ lại những “tài sản tư liệu” quý cho xã hội.
Ngữ Thiên