Ra mắt ấn phẩm

Cũng như hai tập đã xuất bản, tập 3 cuốn Di sản ký ức các nhà khoa học tập hợp những câu chuyện kể về cuộc đời nhà khoa học thông qua những tư liệu, hiện vật và ký ức của họ hoặc gia đình, đồng nghiệp. Nếu “điểm nhấn” của tập 1 là các nhà Y học khóa 1950, tập 2 là đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật đầu tiên được Nhà nước cử đi đào tạo ở Liên Xô năm 1951, thì tập 3 tập trung vào các nhà khoa học được Nhà nước phong học hàm Giáo sư những đợt đầu tiên. Nội dung cuốn sách bao gồm 77 bài viết của các tác giả làm việc ở Trung tâm, được hình thành qua quá trình nghiên cứu hơn 50 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và được bố cục theo 5 chủ đề:

Chủ đề 1: Hạt nhân của nền khoa học Việt Nam

Chủ đề 2: Một thời để nhớ

Chủ đề 3: Những cống hiến còn mãi

Chủ đề 4: Cuộc đời bình dị

Chủ đề 5: Vươn tới đỉnh cao khoa học

Theo đó, các bài viết được sắp xếp nhằm thể hiện ý tưởng cốt lõi của từng chủ đề. Với cách tiếp cận, nghiên cứu cuộc đời của từng nhà khoa học, các bài viết đem đến cho người đọc những câu chuyện sinh động có giá trị giáo dục sâu sắc, đôi khi lại rất giản dị nhưng mang dấu ấn của một thời trong lịch sử khoa học, lịch sử đất nước. Nhân vật trong các bài viết cũng rất đa dạng về hoàn cảnh, độ tuổi, cũng như về quá trình đào tạo và cống hiến, nhưng tất cả họ đều toàn tâm, toàn lực cho nền giáo dục, cho sự phát triển khoa học của nước nhà.

Dòng nghiên cứu cuộc đời mỗi nhà khoa học là không ngừng chảy, không ngừng tiếp nối; danh sách các nhà khoa học được tiếp cận nghiên cứu không ngừng mở rộng cả về số lượng và lĩnh vực hoạt động của họ. Với mục tiêu nghiên cứu cuộc đời nhà khoa học trên cơ sở tư liệu, hiện vật, ký ức của/về nhà khoa học theo cả thời gian và không gian, cả hoạt động khoa học cũng như các khía cạnh của đời sống cá nhân, “tấm thảm lịch sử cuộc đời nhà khoa học” mỗi ngày thêm nhiều màu sắc; bức tranh lịch sử khoa học Việt Nam đồng thời là một phần lịch sử nước nhà cũng vì thế mà ngày càng được hiện lên rõ nét hơn, toàn diện hơn.

Với cách tiếp cận như vậy, điểm đáng ghi nhận ở tập 3 này là số lượng các nhà khoa học, cũng như các chuyên ngành khoa học đa dạng hơn, phong phú hơn, được nghiên cứu có chiều sâu hơn hai tập trước. Điều này khẳng định sự đúng hướng trong hoạt động của Trung tâm, đánh dấu một bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ Trung tâm, trước hết là hoạt động nghiên cứu sưu tầm.

Chúng tôi hi vọng cuốn tập 3 nói riêng và seri sách Di sản ký ức của nhà khoa học nói chung sẽ là những tư liệu có giá trị đối với các nhà nghiên cứu, các bạn sinh viên và tất cả những ai quan tâm đến nền khoa học nước nhà.

 

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam