Gặp nhà văn – học trò của Giáo sư Nguyễn Hoàng Phương

Nhà văn Xuân Cang rất bất ngờ trước sự xuất hiện của nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam. Càng bất ngờ hơn khi GS Nguyễn Hoàng Phương – nguyên Chủ nhiệm khoa Toán – Lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – người mà Trung tâm đang tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tư liệu chính là sợi dây liên kết cho cuộc gặp gỡ lần này. Nhà văn Xuân Cang đang viết dở cuốn sách với tựa đề Nguyễn Hoàng Phương – Phiêu lưu và đối thoại. Ông coi buổi gặp gỡ với chúng tôi như một sự “xui khiến của tâm linh”, thúc đẩy ông cố gắng hoàn thành cuốn sách dưới dạng hồi ký về GS Nguyễn Hoàng Phương mà ông đã ấp ủ từ lâu. Ông chia sẻ: Đó là một nhà khoa học để lại dấu ấn rất sâu sắc trong đời sống, trong khoa học nghiên cứu về tâm linh. Từ một nhà vật lý trở thành một nhà tâm linh học, người mở đầu cho thế kỷ tâm linh của nước ta.

 Nhà văn Xuân Cang tặng Trung tâm Di sản bộ sách “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông”

 Theo nhà văn Xuân Cang, GS Nguyễn Hoàng Phương chính là người gợi mở, hướng dẫn và cung cấp tư liệu cho ông bước vào lĩnh vực nghiên cứu về cấu trúc của Kinh Dịch thuật toán Hà Lạc. Vì thế, ông tự nhận mình là “đệ tử” của GS Nguyễn Hoàng Phương trong lĩnh vực này. Năm 2009, ông đã hoàn thành bộ sách “Khám phá một tia sáng văn hóa phương Đông”, gồm 2 quyển: Tám chữ Hà Lạc và quỹ đạo đời ngườiPhác thảo chân dung nhà văn dưới ánh sáng Kinh Dịch, do Nxb Văn học phát hành. Trong lời nói đầu của cuốn sách, ông viết: Tôi xin chân thành cảm ơn cố giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đã cung cấp cho những tư liệu gốc ở nước ta về môn toán này. 

Nhà văn Xuân Cang đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Trung tâm Di sản các nhà Khoa học Việt Nam và dự định sẽ trao tặng lại Trung tâm những di cảo của GS Nguyễn Hoàng Phương mà ông đang lưu giữ trong một ngày gần nhất.

Đỗ Minh Khôi