Thời kỳ 1968-1972, Phan Phải làm nghiên cứu sinh tại Viện Di truyền học phát triển, Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, với đề tài nghiên cứu về tính chất đặc thù của quá trình đột biến giai đoạn hợp tử và tiền phôi ở thực vật. Bảo vệ thành công luận án PTS, Phan Phải được Viện Di truyền học mời ở lại làm cộng tác viên tại Viện. Cũng trong thời gian này, ông tiếp tục phát triển công trình nghiên cứu của mình. Đến năm 1978, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về đột biến thực nghiệm để tạo các giống cây trồng theo ý muốn.
GS.TSKH Phan Phải
Trong quá trình hoạt động khoa học, giảng dạy của mình, GS.TSKH Phan Phải đã lao động không mệt mỏi với niềm đam mê lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng, ông đã hướng dẫn tốt nghiệp thành công nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước về lĩnh vực này.
Sau nhiều buổi tiếp cận, trao đổi làm việc với nghiên cứu viên, hiểu rõ mục đích, tôn chỉ hoạt động của Trung tâm, và với sự cảm tín, GS Nguyễn Thị Lê đã trao tặng những tư liệu còn lại của GS.TSKH Phan Phải cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Những tư liệu hiện vật bao gồm các kỷ vật GS Phan Phải được tặng trong thời gian làm Tiến sĩ; ảnh tư liệu về hoạt động khoa học từ năm 1968-1980; sách chuyên ngành di truyền học bằng tiếng Nga, giấy chứng nhận Huân, Huy chương, cùng với những kỷ vật đời thường của ông.
Những kỷ vật mang đầy ý nghĩa này được GS Nguyễn Thị Lê trân trọng lưu giữ tại ngôi nhà riêng ở quận Tây Hồ. Bà tin tưởng rằng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy hiệu quả những tư liệu hiện vật bà đã trao tặng.
Lưu Thị Thúy