“Chưa nước nào có những căn hầm thế này”, bác sĩ – thiếu tướng Lê Thế Trung khẽ khàng lật những tập giấy đen dày, chữ lít nhít xen cùng những hình vẽ. Ở Điện Biên, ông là Phó Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 209- 312, Trưởng ban Quân y trung đoàn, trực tiếp tham gia chữa bệnh, phẫu thuật cho thương binh. Hàng ngày, người trí thức trẻ tuổi ấy cần mẫn học hỏi, ghi chép các tài liệu y học thu lượm được ở chiến trường.
Vừa đào hầm hào vừa lo chữa bệnh
“Điện Biên Phủ là chiến dịch đánh bằng giao thông hào. Mình đánh nó bằng giao thông hào, bao vây bằng giao thông hào, tiến vào bằng giao thông hào. Bộ đội ta ban đêm đào, sáng ra quân địch lấp, đêm ta lại đào. Việc của tôi vừa chăm lo sức khỏe cho bộ đội vừa tự lo đào giao thông hào. Y tá hay chủ nhiệm hậu cần cũng phải đào hào, để chứa thương bệnh binh của mình” – ông Lê Thế Trung nhớ lại. Quân ta tiến tới đâu, y tế cũng tiến tới đó nên thi thoảng lại di chuyển và đào lại các hầm.
Vừa chữa bệnh, vừa chiến đấu, ông Trung vẫn không quên thói quen ghi chép. Những trang viết trên giấy một mặt, ông tranh thủ ghi chép tình hình thương bệnh binh, tình hình di chuyển theo chiến dịch hàng ngày, một số y thuật, và cả những đường kẻ ngang, dọc như bản vẽ thiết kế. “Về sau, tôi có tặng Bảo tàng Hậu cần quyển sách viết về những hầm mổ trong Điện Biên Phủ, họ cũng dựng lại mô hình hầm mổ”.
Hầm điều trị thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ở Điện Biên, hầm là các hầm dã chiến, dựa vào đất, gỗ. “Chúng nó hầm to, có mái kiên cố, vận chuyển vật liệu bằng máy bay từ Hà Nội lên. Còn hầm của ta diện tích nhỏ, vì hẹp thì mới chắc, khi bị bom mới không sập. Hầm mổ có diện tích đủ cho 1 thương binh nằm, 1 gây mê và phụ giúp chuyên môn, 1 phụ mổ, 1 mổ. Vậy là như căn phòng nhỏ, bên trên có cây đỡ. “Trang thiết bị phòng mổ ư, chả có gì, cáng và cái dây treo thuốc truyền thôi”, ông Trung mô tả. Hầm mổ được che vồ và phủ đất dày. Còn các hầm khác, đơn sơ hơn, là hầm thay băng, hầm chứa thương binh nặng để điều trị tiếp đón, hầm bếp kiểu Hoàng Cầm.
Những hầm thương binh vừa và nhẹ đào theo kiểu khoét vào đất, dọc trục giao thông hào (giao thông hào trục và giao thông hào nhánh). Hầm vừa đủ một thương binh nằm, tiện cho y, bác sĩ đi thăm bệnh. Có “hầm tư thế nằm dài” dành cho thương binh bị vết thương bụng, xương và “hầm ngồi” cho những thương binh bị nhẹ.
Hầm điều trị sốc chỉ chứa được 2 người là vừa, có chỗ đặt cáng thương binh và 1 người thao tác. Có cột treo chai truyền. Hầm của y, bác sĩ thì còn đơn sơ hơn nữa.
Trong những căn hầm mổ, để có ánh sáng cho phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng đèn pin, treo lủng lẳng phía trên. Hồi ấy đèn dầu, đèn măng xông không có, vả lại ánh sáng quầng thì dễ bị lộ. Thế nhưng từ những hầm đó, mọi ca phẫu thuật vẫn đảm bảo. Ca nào trì hoãn được thì chuyển về tuyến sau. Ca nào phải cấp cứu ngay thì phải mổ ngay. Ca nhẹ chữa được thì điều trị ngay tại chiến hào, để anh em tiếp tục chiến đấu. “Có lần, tôi đang tranh thủ nghỉ thì hầm sập. May, khoảng 20 phút thì anh em đào lên” – ông Lê Thế Trung nhớ lại.
Ngóng thương binh biết thế trận
Làm bác sĩ ở chiến trường, mọi thứ đều phải “tự”. Ông Lê Thế Trung có 1 bộ nhỏ thiết bị, gói lại, như “bảo bối”: dao, chỉ, kim, bảng màu thước… Suốt quá trình hành quân, bác sĩ phải mang trên vai bộ đồ ấy, bên cạnh gạo, nước, tư trang… như các chiến sĩ khác.
“Đấy là những trang thiết bị của y sĩ trung cấp”, ông Trung nhớ lại, khi đó quý giá vô ngần. Thậm chí, các y, bác sĩ phải mua những mảnh bầu khô, gáo dừa của dân, về cưa ra làm dụng cụ cầm máu. Những chỗ khuỷu tay, mạch máu đứt, khi băng không thể ép để cầm máu được, thì tì các mảnh bầu khô bên ngoài, cột lại, sẽ ép cho mạch máu không bị hở và chảy máu, dần dần liền lại. Không có nhiều dịch truyền, anh em dược sĩ phải đun nước cất, tự pha chế. Các chiến sĩ cứu thương còn có thêm “nhiệm vụ” khi tiếp quản trận địa địch để thu gom thương binh là lấy các đồ cứu thương của địch, ví như đồ mổ, đồ hấp, dao mổ, bông băng. “Có anh khệ nệ mang quyển sách về khoe “lấy được quyển sách to lắm”, tôi mừng tưởng quyển về phẫu thuật, hóa ra là quyển từ điển dầy nặng” – ông Trung kể.
Khi giao tranh, các y, bác sĩ “tuyến sau” nắm thông tin trận chiến qua số thương binh. Trận nào thuận lợi thì ít thương binh, trận nào nhiều thương binh thì biết ngay là không thuận lợi. “Cứ sau 1-2 tiếng đánh nhau thì bắt đầu thương binh về. Có ngày hàng trăm, cứu chữa không xuể. Nhất là giai đoạn gần cuối, địch kháng cự để tồn tại. Nhiều thương binh cụt tay, chân, bị thương bụng, sọ não. Rất xót xa” – ông Trung thoáng buồn.
Trong chiến tranh, lực lượng hậu cần (cấp dưỡng, vận tải, quân y) lo về sức khỏe của quân. Phải đảm bảo “ăn tốt”, “uống tốt”, đặc biệt phải vệ sinh tốt: Cá nhân đào các hố để đi vệ sinh chứ không có nhà vệ sinh tập thể. Đi xong thì lấp lại, giữ sạch sẽ và bí mật (nhất là trên đường hành quân). Trong chiến hào càng phải vệ sinh. “Hồi chiến thắng xong tôi vào bên chiến hào địch, hôi thối quá. Không ra được ngoài vì bị mình bắn tỉa, chỉ có 1 con đường tiếp tế máy bay. Chúng nó khổ”.
Muốn giữ được vệ sinh trong quân đội ta, quân y phải nhắc nhở thường xuyên. Một tiểu đội có 1 chiến sĩ vệ sinh (cử ra trong số 10 – 12 người của tiểu đội), được học về công tác y tế dự phòng và cấp cứu thương binh (băng bó, cầm máu, gây xương, cáng thương, cấp cứu tạm thời). 3 trung đội họp lại thành 1 đại đội, “anh” nào giỏi thì cử làm 1 chiến sĩ vệ sinh bổ sung và chiến sĩ này về sau có thể làm công tác cứu thương giúp y tá.
Sau chiến dịch, ông Lê Thế Trung vào chiến trường. Hàng binh, số đi được thì được giải đi rồi, số ở lại toàn thương binh. Có một quan Tư thầy thuốc và y tá của địch ở đó.
“Tôi hỏi quan Tư thầy thuốc: sách của ông đâu, họ nộp. Thế là tôi có 1 quyển về phẫu thuật. Vị quan Tư “già” hơn tôi, khoảng hơn 30 tuổi, là bác sĩ của cả tập đoàn cứ điểm, còn mình chỉ là y sĩ trung cấp của Việt Nam khoảng 24-25 tuổi. Thái độ của họ rất tôn trọng mình. Tôi cũng vậy, hai thầy thuốc ở hai chiến tuyến. Tôi kiểm tra dụng cụ, tài liệu của địch để lại, rồi chữa cho thương bệnh binh của họ” – BS – thiếu tướng Lê Thế Trung cười, nụ cười nhẹ nhõm.
Thùy Hương