Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long được Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức ngày 21-6-2014, tại Hội trường tầng 8, Bệnh viện MEDLATEC, số 42-44 phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội.
GS.TS Lê Quang Long sinh ngày 29-3-1925 trong một gia đình dòng dõi hoàng tộc ở Huế. Trong 63 năm phục vụ trong ngành Giáo dục, sự nghiệp của ông gắn với những nghiên cứu chuyên sâu về Sinh lý người và động vật, Sinh lý trẻ em, Sinh lý thực nghiệm, Sinh lý ứng dụng, Sinh lý thần kinh cấp cao, biên soạn từ điển về động thực vật. Trong số đó, có nhiều công trình nhận được giải thưởng Văn học nghệ thuật, Huy chương bạc về sách đẹp, sách hay, tiêu biểu như “Từ điển tranh về các loại củ quả”; “Từ điển tranh về các loại cây”; công trình nghiên cứu “Hoa cỏ đồng nội”.
Trong sự nghiệp làm thầy, ông đã giảng dạy và thỉnh giảng ở 37 trường đại học, cao đẳng trong nước và ngoài nước, tham gia đào tạo từ xa ở nhiều tỉnh từ Bắc đến Nam. Ngoài chuyên môn sâu, ông có khả năng giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Pháp cho một số trường chuyên, trường liên kết quốc tế Pháp- Việt trên địa bàn Hà Nội. Không những tham gia công tác đào tạo ở trong nước, GS.TS Lê Quang Long còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Antananarivo (Madagasca), thỉnh giảng ở Đại học Viên Chăn (Lào), Đại học Phnom Pênh (Campuchia). Ông được nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, do công lao đóng góp phục hồi nền đại học Campuchia sau nạn diệt chủng thời Pôn Pốt.
GS.TS Lê Quang Long đã viết hơn 100 đầu sách, trong đó có hơn 50 đầu sách được ông viết sau khi đã nghỉ hưu. Cùng với các giáo trình đại học và chuyên đề sau đại học, ông biên soạn nhiều sách tham khảo. GS.TS Lê Quang Long cũng có nhiều công trình đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài. Trong thời gian công tác tại Khoa Sinh học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã chủ trì nhiều đề tài khoa học góp phần thiết thực vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
Cho đến nay, GS.TS Lê Quang Long vẫn miệt mài viết, dịch sách và tham gia một số hoạt động đào tạo của Khoa Sinh học. Trong các thế hệ học trò của Giáo sư, từ phổ thông cho tới đại học, nhiều người đã trở thành những nhà hoạt động chính trị, xã hội, quân sự, khoa học và giáo dục có nhiều đóng góp nổi bật như: GS Nguyễn Lân Dũng, GS Tống Duy Thanh, PGS Trần Xuân Nhĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, GS Phan Nguyên Hồng, GS Phạm Thị Trân Châu, GS Trần Kiên; GS Nguyễn Đình Giậu, PGS Lương Ngọc Toản; GS.TSKH Thái Trần Bái…
Tháng 4-2014, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề với GS.TS Lê Quang Long để nghiên cứu về lịch sử cuộc đời của ông. Được tận mắt thấy một phần di sản của các nhà khoa học đang được Trung tâm lưu giữ, bảo quản theo quy chuẩn, GS Lê Quang Long xúc động bày tỏ: “Tôi là người may mắn đã đi công tác về giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc… nhưng chưa thấy nơi nào có một Trung tâm hoạt động khoa học có nhiều ý nghĩa và tổ chức tuyệt vời như Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Mừng nhất là Trung tâm tạo điều kiện cho tôi được đóng góp một phần nhỏ trong khối di sản đồ sộ của các nhà khoa học và để được sống mãi với non sông đất nước Việt Nam…”.
GS.TS Lê Quang Long đã tin tưởng trao tặng Trung tâm hơn 5000 đơn vị tài liệu hiện vật, chủ yếu là các tài liệu gốc. Đó là các bản thảo giáo trình, bản thảo sách chuyên môn, từ điển, kể cả bản thảo một số cuốn sách của ông được nhận giải thưởng; đặc biệt, có sưu tập giáo cụ trực quan về sinh lý người và động vật mà GS Lê Quang Long sử dụng hiệu quả trong quá trình giảng dạy ở trường phổ thông. Bên cạnh đó, còn có những tài liệu về hoạt động nghiên cứu; luận văn, luận án của học trò; ảnh tư liệu về gia đình, dòng họ từ năm 1938, ảnh học tập, hoạt động khoa học, ảnh kỷ niệm với nhiều thế hệ học trò; thư từ, thiếp chúc mừng của bạn bè, đồng nghiệp, học sinh, sinh viên mọi miền Tổ quốc gửi tới GS Lê Quang Long. Ngoài ra, trong khối tư liệu đồ sộ này, phải kể đến một số hiện vật thể khối đã gắn bó với cuộc sống của GS Lê Quang Long: chiếc đồng hồ, cái mũ phớt, chiếc ba lô, cái giá để chụp ảnh do ông tự chế và được sử dụng trong nghiên cứu…
Sau khi trao tặng khối tài liệu hiện vật cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ, GS.TS Lê Quang Long đã trực tiếp cùng các cán bộ Trung tâm tiến hành phân loại các tư liệu, cung cấp thông tin cho hiện vật, giúp quá trình tư liệu hóa được thuận lợi. Khối tài liệu và hiện vật này sẽ là nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về lịch sử cuộc đời GS.TS Lê Quang Long. Đây cũng sẽ là những tư liệu quý giá giúp cho việc nghiên cứu về lĩnh vực sinh lý học ở người và động vật và sự phát triển của ngành sinh học nói chung ở Việt Nam.
————————————————————————————————————
Kính gửi các Tòa soạn báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam xin gửi bản Thông cáo báo chí này. Lễ tiếp nhận bộ sưu tập tài liệu hiện vật của GS.TS Lê Quang Long vào sáng ngày 21-6-2014 là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong việc phát triển lĩnh vực lưu trữ cá nhân nói chung và lưu trữ về các nhà khoa học nói riêng ở nước ta. Trân trọng đề nghị các cơ quan truyền thông đưa tin.
Xin trân trọng cảm ơn!
GIÁM ĐỐC CHUYÊN MÔN
PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
1. ThS Trần Bích Hạnh
Mobi: 0919 761 566 Email: [email protected]
2. Lưu Thị Thúy
Mobi: 0917 426 588 Email: [email protected]