Nghề gì cũng có ích

Trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể của Viện Thú y quốc gia nằm trên phố Lương Định Của, mặc dù sức khỏe không được tốt và đang bận chuẩn bị cho việc tổng kết đề tài khoa học, nhưng GS.TSKH Phan Thanh Phượng đã nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi, bà nhớ về con đường đến với chuyên ngành Thú y của mình.

GS.TSKH Phan Thanh Phượng và đồng nghiệp bên máy sản xuất vacxin nhũ dầu tại Phòng thí nghiệm của Viện Thú y quốc gia

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Trãi III (Hà Nội), Phan Thanh Phượng có tên trong danh sách được cử đi học đại học tại Liên Xô. Trong thời gian học ngoại ngữ tại Cổ Bi (Gia Lâm, Hà Nội) bà được phân học chuyên ngành Kiến trúc, do đặc biệt yêu thích lĩnh vực này nên bà rất vui và đăng ký học thêm lớp vẽ. Thế nhưng, ngay sau khi chuẩn bị giấy tờ để sang Liên Xô học tập thì Phan Thanh Phượng lại được điều chuyển sang học chuyên ngành Thú y tại Học viện Thú y Mátxcơva. Bất ngờ và tủi thân vì không đạt nguyện vọng, Phan Thanh Phượng chia sẻ với bố mong nhận được sự đồng cảm, nhưng lời khuyên của bố đã làm bà thức tỉnh: “…Con phải học giỏi, ngành nào cũng có ích cho xã hội…”.

Ở nước bạn xa xôi, sau một thời gian học tập, qua những bài học trên lớp và các buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, Phan Thanh Phượng nhận ra rằng: Mỗi ngành, mỗi nghề đều có cái hay của nó và muốn thành công thì phải tận tâm. Vì vậy, bà quyết tâm học và đạt điểm tối đa ở tất cả các môn học. Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng đỏ, bà được giữ lại trường làm chuyển tiếp sinh. Năm 1969, bà bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ ở tuổi 28.

Đã 12 năm kể từ khi nghỉ hưu, nhưng tình yêu với nghề vẫn cuốn hút GS.TSKH Phan Thanh Phượng mải mê với các đề tài nghiên cứu và tham gia tư vấn, cố vấn cho các đơn vị chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và điều chế vacxin, đóng góp hết mình cho sự nghiệp phát triển ngành Chăn nuôi ở nước ta.

Bích Phương