Đây là một trong những công việc hết sức quan trọng, nằm trong quy trình được thực hiện trước khi tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của hai nhà khoa học mà Trung tâm Di sản dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 8-2014.
Đây là lần đầu tiên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tiếp nhận di sản của hai vợ chồng đều là nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội với tổng số hơn 5000 đầu tài liệu hiện vật tại thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những bản thảo, tài liệu, thư từ trao đổi chuyên môn, ảnh hoạt động… gắn với toàn bộ quá trình công tác và giảng dạy của PGS Lê Văn Sáu – nguyên Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1959-1975); Khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (1976-1990), và PGS Bùi Thị Kim Quỳ – nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới và Gia đình, Viện Khoa học Xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Ngô Thiếu Hiệu và nghiên cứu viên đang nghiên cứu các bản thảo trong khối tài liệu
Qua một ngày làm việc tập trung, ông Ngô Thiếu Hiệu đã khảo sát hầu hết các loại hình tài liệu của hai nhà khoa học. Ông nhận thấy: “Số lượng bản thảo chuyên môn rất lớn, đó cũng là linh hồn của toàn bộ khối tư liệu. Các bản thảo về lịch sử thế giới của PGS Lê Văn Sáu và các nghiên cứu về giới, vấn đề tôn giáo, dân tộc… của PGS Bùi Thị Kim Quỳ rất đa dạng, phong phú và chuyên sâu, có giá trị nghiên cứu trong hiện tại và tương lai”.
Cũng theo nhận định của ông Ngô Thiếu Hiệu: Đáng chú ý hơn, khối tài liệu này được sưu tầm từ thành phố Hồ Chí Minh, “điều này thể hiện sự phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm thời gian qua. Việc tổ chức tiếp nhận khối tài liệu hiện vật này sẽ là một sự kiện quan trọng đặc biệt”.
Đỗ Minh Khôi
Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt